Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới lung lay: Người dân nợ nần chồng chất, muốn 'sống sót' phải vay mượn khắp nơi
Theo chuyên gia kinh tế Kunal Kundu của Socíeté Générale, chỉ một phần nhỏ tầng lớp khá giả của Ấn Độ thực sự thúc đẩy tăng trưởng, trong khi phần lớn tầng lớp trung lưu đang thắt chặt chi tiêu, kéo theo sự chững lại của tiêu dùng nội địa.
Anurag, một cư dân sống tại khu dân cư trung lưu đang phát triển ở Mumbai, gần như đã "miễn nhiễm" với những cuộc gọi và chuyến viếng thăm không ngừng nghỉ từ các nhân viên thu hồi nợ. Tuy nhiên, cách đây khoảng một tháng, ông bị đẩy đến giới hạn khi một nhân viên ngân hàng gọi điện thẳng đến sếp của vợ ông để phàn nàn về khoản nợ quá hạn – hành động khiến cả gia đình ông rơi vào áp lực nặng nề và bị "xa lánh".
“Cuộc khủng hoảng tài chính này khiến tôi rơi vào trầm cảm, nhưng tôi không chia sẻ với ai cả”, Anurag, người ngoài 50 tuổi chia sẻ. Sau khi mất việc ở một đại lý du lịch vào cuối năm ngoái, ông đã mắc nợ tới 13.000 USD và tiêu sạch toàn bộ tiền tiết kiệm.
Câu chuyện của Anurag không phải là trường hợp cá biệt. Ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ – nhóm người vốn được các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài xem là động lực tiêu dùng trong tương lai – đang rơi vào vòng xoáy nợ nần, đe dọa hình ảnh một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ.
Từ kỳ vọng tiêu dùng đến "khủng hoảng"
Những tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Samsung, Walmart từng đặt cược lớn vào sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Ấn Độ, kỳ vọng rằng người dân nơi đây sẽ tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập tăng lên. “Ai cũng muốn có laptop, TV, smartphone, xe hơi hay xe máy, và cho con học trường tốt”, tỷ phú Anil Agarwal, Chủ tịch Tập đoàn Vedanta, nhận định. Nhưng giấc mơ tiêu dùng đã kéo theo làn sóng vay nợ chóng mặt, với tăng trưởng cho vay bán lẻ vượt 30% chỉ trong năm 2023.

Nhiều khoản vay dùng để "bằng bạn bằng bè", khoe khoang cuộc sống hào nhoáng trên mạng xã hội. Nhưng phần lớn số tiền đó được chi cho nhu cầu thiết yếu khi chi phí sinh hoạt tăng cao sau đại dịch. Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), tỷ lệ nợ hộ gia đình so với GDP đã tăng từ 35% năm 2020 lên 43% vào tháng 6/2023 – một dấu hiệu cảnh báo rõ rệt về mức độ bền vững của tăng trưởng dựa vào tín dụng.
Tác động lan rộng đến kinh tế vĩ mô
Khủng hoảng tín dụng không đảm bảo đang làm suy yếu câu chuyện “Ấn Độ trỗi dậy” mà Thủ tướng Narendra Modi đang theo đuổi. Ông kỳ vọng đưa đất nước thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047 – mốc kỷ niệm 100 năm độc lập.
Nhưng bất bình đẳng gia tăng đang làm xói mòn giấc mơ đó. Theo chuyên gia kinh tế Kunal Kundu của Socíeté Générale, chỉ một phần nhỏ tầng lớp khá giả thực sự thúc đẩy tăng trưởng, trong khi phần lớn tầng lớp trung lưu mong manh đang thắt chặt chi tiêu, kéo theo sự chững lại của tiêu dùng nội địa.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 ước tính giảm còn 6,5%, so với 9,2% của năm trước đó – thấp hơn nhiều so với mức 8% cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển dài hạn.
Nghiên cứu từ Marcellus Investment Managers cảnh báo khoảng 10% người lao động thu nhập trung bình đang mắc kẹt trong bẫy nợ, trong khi tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình so với GDP đã xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Thu nhập đình trệ, giá thực phẩm tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ qua – tất cả tạo nên bức tranh tài chính đáng lo ngại.

“Bom nợ” tiềm ẩn
Ngay cả khi còn có việc làm, Anurag đã phải vay mượn qua nhiều kênh để trang trải cuộc sống, nhưng mức thu nhập hơn 23.000 USD mỗi năm của hai vợ chồng vẫn đủ xoay sở. Tuy nhiên, sau hai lần đổi việc với mức lương thấp hơn và học phí con cái tăng cao, gia đình ông rơi vào vòng xoáy nợ.

Các công ty như Freed và SingleDebt – chuyên xử lý nợ cá nhân – ghi nhận số lượng khách hàng tăng vọt. Theo Ritesh Srivastava, CEO của Freed, một người vay điển hình hiện có khoảng 6 khoản vay tổng cộng 6.000 USD, với thu nhập hàng tháng chỉ từ 460 đến 580 USD. “Vay chỗ này để trả chỗ kia”, ông nói.
Thực trạng đáng lo ngại này khiến Chính phủ Ấn Độ bắt đầu có động thái phản ứng. Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman công bố các chính sách giảm thuế nhắm đến tầng lớp trung lưu, thừa nhận áp lực tài chính họ đang gánh chịu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng tín dụng không đảm bảo vẫn đang đánh mạnh vào phần dưới của kim tự tháp thu nhập – nơi phần lớn người dân Ấn Độ sống với mức thu nhập dưới 3.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, tầng lớp siêu giàu vẫn đứng vững ở đỉnh tháp tài sản.
Theo FT
>> Đồng USD lao dốc không tưởng, Mỹ đối mặt ‘cơn ác mộng’ thập niên 90 của Nhật Bản?