Nghiêm cấm gắn việc bán bảo hiểm với cung cấp dịch vụ ngân hàng
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thực hiện quy trình để thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua vào sáng 18/1 đã bổ sung quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Trước đó, qua thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng (TCTD) như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng , hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng.
>> Luật tín dụng (sửa đổi): Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên kết bán bảo hiểm; cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ.
Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
UBTVQH thống nhất với ý kiến của đại biểu, do đó bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin (Điều 49), trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực hiện cung cấp thông tin, TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD.
Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng (tại Điều 159, Điều 161), trong quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng điểm a và b khoản 2 Điều 159 của dự thảo Luật quy định TCTD phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính niêm yết công khai tại dự thảo Luật.
>> Bán bảo hiểm, ngân hàng lãi nghìn tỷ, người vay nước mắt hai hàng
Báo cáo về vấn đề này, UBTVQH cho biết, tại Điều 154 của dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp TCTD đang được kiểm soát đặc biệt. Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu theo hướng quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ như tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 159 của dự thảo Luật.
UBTVQH đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện Luật chỉ đạo NHNN chịu trách nhiệm, có giải pháp phù hợp để nắm rõ thực trạng tài chính của các TCTD này khi được áp dụng cơ chế hỗ trợ, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.
Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) lãi trước thuế 308 tỷ đồng năm 2023
Luật Tín dụng (sửa đổi): Không giảm đột ngột giới hạn cấp tín dụng