Ngôi cổ tự 'mở nước' hơn 1.500 tuổi uy nghi nhất xứ kinh kỳ, được bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới
Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức một góc không gian tĩnh lặng, cũng như vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên hồ Tây.
Năm 2019, bảng xếp hạng của wanderlust.co.uk đã xếp chùa Trấn Quốc đứng vị trí thứ 3 trong số 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Giới thiệu về chùa Trấn Quốc, trang web viết:
"Nằm trên bán đảo nhỏ, phía đông của hồ Tây, Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Ngôi chùa đã có trên 1.500 năm tuổi và gần đây được bầu chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Khung cảnh hồ nước tạo cho ngôi chùa sự hấp dẫn và khách đến được trao hương để thắp trong các đền nhỏ ở cả khu chùa này. Bạn hãy chú ý đến cây Bồ đề. Cây này mọc ra từ một nhánh lấy từ chính cây gốc ở Boh Gaya bên Ấn Độ, nơi mà Đức Phật đã ngồi tu và đạt Giác ngộ..."
Theo sử sách, chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía đông hồ Tây (quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Chùa được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547) tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi đầu tiên là chùa Khai Quốc (nghĩa là mở nước). Đây cũng là ngôi chùa gắn liền với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân.
Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ XVII, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu.
Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681-1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Chùa Trấn Quốc được trùng tu nhiều lần các năm 1624, 1628 và 1639. Đến năm 1815, đời vua Gia Long, chùa tiếp tục được tu sửa, đúc chuông, đắp tượng to đẹp tráng lệ. Năm 1821, vua Minh Mạng từ Huế ra Bắc có đến thăm chùa, bàn bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm, ban tiền vàng để sửa chữa.
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc được xây dựng theo trình tự và nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công.
Chùa được thiết kế theo hướng tiền đường hướng về phía tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.
Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đáng chú ý nhất là pho tượng Thích Ca nhập niết bàn, chân nọ gác lên chân kia, đầu gối lên tay phải. Đó là lúc Đức Thích Ca hóa khi 80 tuổi.
Chùa Trấn Quốc còn đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Cụ thể có ghi: "Trước hết làm nhà thờ Phật, nhà thắp hương, tiền đường, cả thảy ba tòa. Sau đó làm hai hành lang, gác chuông, hậu đường, cả thảy bốn nếp nhà. Tất cả đều cao lớn hơn trước, đồng thời đúc tượng Phật và đúc chuông lớn."
Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ XVIII. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm.
Đặc biệt, trên đỉnh tháp có một tháp sen 9 tầng (cửu phẩm liên hoa) được tạc bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại. Bảo tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc độc đáo, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Chùa Trấn Quốc được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2010.
Như một hòn ngọc giữa đảo xanh nằm soi mình bên sóng nước hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng không chỉ bởi địa thế và kiến túc tuyệt đẹp mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long - Hà Nội. Chùa là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô suốt hàng nghìn năm qua.