Ngôi đền thiêng có thế phong thủy 'long chầu hổ phục' ở xứ chè: Thờ vị anh hùng từng trấn giữ cả vùng phía Bắc, cưới 2 công chúa nhà Lý
Người dân truyền tai nhau về vết chân hổ trong tư thế đang nằm phục in lên, bên cạnh là tảng đá hình rồng với biểu trưng "long chầu"...
Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng, Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh trưởng tại làng Quan Triều, phủ Phú Lương (xưa), nay là phường Quan Triều, TP Thái Nguyên. Thuở trẻ ông rất có tài, đã thành lập 1 đội dân binh để chống lại sự xâm chiếm của nhà Tống lúc đó.
Đội dân binh của Dương Tự Minh đã lập nhiều công lao. Với những công lao đóng góp cho đất nước dưới triều nhà Lý, ông được vua Lý Nhân Tông (1072-1128) gả con gái là công chúa Diên Bình vào năm 1127 và được vua Lý Anh Tông (1138-1175) gả cho con gái là công chúa Thiều Dung vào năm 1144. Như vậy, ông là phò mã của hai đời vua nhà Lý.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư và nhiều hội thảo khoa học, nhân vật Dương Tự Minh là người được 2 triều vua Lý giao cho trấn ải phủ Phú Lương, lúc bấy giờ rất rộng, bao gồm cả Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang… cả vùng phía Bắc này. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ở núi Đuổm và suy tôn ông là Thánh Đuổm.
Nằm sát quốc lộ 3, cách TP Thái Nguyên 25km về phía tây bắc, quần thể kiến trúc đền Đuổm nằm lọt dưới những tán cổ thụ che mát ba ngôi đền tôn nghiêm thờ phủ Bà, Dương Tự Minh và thờ Mẫu. Ðền đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu tam cấp gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ được bố trí dựa vào sườn núi theo thứ tự từ thấp lên cao.
Đền Hạ là nơi thờ 2 công chúa Diên Bình và Thiều Dung; đền Trung là nơi thờ Dương Tự Minh, còn đền Thượng thờ các vị thân mẫu của ông. Phía trước đền là một không gian rộng lớn với cánh đồng, đồi cọ, đồi chè và con sông Cầu uốn khúc chảy qua. Tuy quy mô không lớn nhưng đền Đuổm là một quần thể kiến trúc đẹp, uy nghiêm, là danh thắng nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên.
Ngôi đền có kiến trúc hình chữ Đinh, vẫn giữ nguyên theo lối kiến trúc cổ thời nhà Lý. Đằng trước 3 gian, 1 gian hậu cung đằng sau. Trong hậu cung thờ Đức Thánh Đuổm. Bên ngoài, ở giữa thờ công đồng các quan. Phía bên phải theo hướng nhìn vào thờ các quan võ, bên tay trái thờ quan văn.
Đền Đuổm được người dân bản địa truyền tai nhau về vết chân hổ in sâu trên tảng đá ngay lối vào. Vì thế, khi bước qua cánh cổng đền đi lên những bậc thang đầu tiên sẽ thấy hai tảng đá lớn nằm ở bên trái và bên phải. Đây là hai cảnh trí tự nhiên không ai tạo nên cả, mang tính chất phong thủy tâm linh lớn: "tả thanh long, hữu bạch hổ", tạo thành thế long chầu hổ phục, ngôi đền nằm ở giữa. Phía sau đền lại là một dãy núi đá. Theo phong thủy phương Đông, đấy là thế rất đắc địa.
Là một vị quan công lao bao trùm toàn bộ vùng phương Bắc, sở dĩ dân gian lập đền thờ Dương Tự Minh tại vị trí hiện nay vì nơi này chính là điểm được ông chọn làm nơi sống nốt những năm cuối đời, sau khi từ quan về quê: “Dương Tự Minh làm quan nhà Lý gần 30 năm, đến cuối đời từ quan về ở ẩn tại núi Điểm Sơn (còn gọi là núi Đuổm) nên ở đền hiện nay có 2 câu đối:
Quan triều hiển Thánh thiên thu tại,
Động Đạt giáng thần vạn cố hương.
Dịch nghĩa là:
Đất quan triều hiển Thánh từ ngàn năm vẫn còn đó,
Xã Động Đạt giáng làm thần muôn đời hương khói thơm ngát".
Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993. Hằng năm, từ ngày 6-8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại tổ chức Lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ công lao của Dương Tự Minh. Ngoài ra, cư dân trong vùng còn bảo tồn nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa tín ngưỡng như: ngày đản sinh của Thánh Đuổm, lễ hạ điền và lễ thượng điền. Trong đó lớn nhất là ngày đản sinh vào mùng 6 tháng Giêng. Trước đó một ngày, dân làng làm lễ rước nước và rước đất.