Ngồi ghế chủ tịch chưa 'ấm chỗ', nhiều sếp lớn xin từ chức
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngồi ghế chủ tịch HĐQT chưa "ấm chỗ” đã xin từ chức.
CTCP MT Gas (MTG) vừa thông báo về việc thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023-2027. Ông Trần Minh Loan (sinh năm 1957) xin rời chức Chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Ông Loan mới ngồi ghế Chủ tịch MTG từ ngày 25/7.
Ông Trương Hữu Phước được bầu ngồi vào thay thế ông Loan, từ ngày 1/10. Trước khi giữ chức Chủ tịch, ông Phước là Thành viên HĐQT của MTG. Như vậy, chỉ sau hơn 2 tháng, ghế nóng chủ tịch đã thay đổi.
Thời gian gần đây, ghế lãnh đạo doanh nghiệp liên tục thay đổi, đáng chú ý nhiều sếp lớn chỉ ngồi ghế này chưa được bao lâu.
Mới đây, PGBank đã nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Phi Hùng vì lý do cá nhân.
Ông Hùng mới chỉ đảm nhiệm vị trí chủ tịch cũng từ hồi tháng 7/2023, thay cho ông Oliver Schwarzhaupt, người trước đó cũng có đơn xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. PG Bank sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường để thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Hùng.
CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND) cũng vừa thông qua quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Vũ Long. Thay vào đó, ông Long sẽ trở lại đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc.
Đồng thời, bà Phạm Minh Hương sẽ quay lại ghế chủ tịch HĐQT từ 18/9. Bà Hương trở lại ghế "nóng" sau 5 tháng, kể từ ngày 26/4.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* MCM: Ngày 27/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết sàn của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu. MCM sẽ niêm yết 110 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng
* DTK: Tổng công ty Điện lực TKV thông qua bầu ông Ngô Thế Phiệt vào ghế Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Phiệt sinh năm 1968 tại Diễn Châu, Nghệ An, trình độ kỹ sư khai thác mỏ.
* MIG: Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội thông qua việc triển khai phương án phát hành hơn 25,9 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:25, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, MIG còn phát hành 2,86 triệu cổ phiếu ESOP, cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý IV/2023 – quý I/2024.
* DGW: CTCP Thế giới số (Digiworld) vừa thông qua việc thanh toán cổ tức năm 2022. Ngày 17/10, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền. Cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.
Thông tin giao dịch
* SC5: Ông Nguyễn Đình Dũng, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng số 5 đã mua 444.000 cổ phiếu trong ngày 2/10. Sau giao dịch này, ông Dũng nắm giữ 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,35%.
* KDM: Bà Nguyễn Thị Tân, mẹ vợ ông Đặng Công Thức, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn GCL đăng ký bán toàn bộ 331.000 cổ phiếu, tỷ lệ 4,66%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 5/10-2/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* PVD: Qũy Đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh Vinacapital công bố thông tin đã mua được 340.000 cổ phiếu trong tổng số 900.000 đơn vị đăng ký của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí. Giao dịch thực hiện từ ngày 31/8-29/9 theo phương thức khớp lệnh.
* VTZ: Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành đã bán thành công hơn 2,6 triệu cổ phiếu, thời gian từ 31/08 - 26/9. Sau giao dịch này, ông Tuấn còn nắm giữ hơn 8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,64%.
* GEX: Ngày 2/10, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào 3 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn GELEX để tăng tỷ lệ lên 6,23%.
VN-Index
Chốt phiên 3/10, VN-Index giảm 37,15 điểm (-3,22%), xuống 1.118,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 991,8 triệu đơn vị, giá trị 21.065,5 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 10,04 điểm (-4,24%), xuống 226,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 134,8 triệu đơn vị, giá trị 2.548 tỷ đồng.
UpCoM-Index giảm 2,01 điểm (-2,27%), xuống 86,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,3 triệu đơn vị, giá trị 943,2 tỷ đồng.
Nhận định thị trường phiên 4/10, Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng khối lượng khớp lệnh đã quay lại mức trung bình 20 phiên cho thấy tín hiệu bán có chiều hướng quay lại. Không loại trừ khả năng áp lực bán giải chấp đã xuất hiện với hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, chứng khoán, thép...
Chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.120 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn còn tiếp diễn.
Phiên 4/10, nếu có lực hồi nhà đầu tư cũng hạn chế vị thế mua mới, thay vào đó kiên nhẫn chờ VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ mới 1.081-1.096 điểm. Tại ngưỡng này, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua quay trở lại.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Nhà đầu tư có thể dừng bán và nếu thị trường hồi phục nhẹ trong phiên kế tiếp thì các nhà đầu tư có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thì vẫn nên đứng ngoài thị trường.