Ngôi làng được bao bọc bởi núi rừng nguyên sơ, ruộng bậc thang xanh ngát, sắc hồng địa lan thơ mộng.
Nằm cách thị trấn Măng Đen khoảng 40km, làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là một trong những làng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Xơ Đăng nằm ven bờ sông Đăk SNghé, giáp lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum.
Làng nằm ở độ cao 1.250m so với mặt nước biển, nơi đây nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp bên những cánh rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn.
Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Bao quanh làng là những cánh rừng với hệ động, thực vật phong phú; hệ thống suối đá, thác, hồ, ruộng,…
Đặc biệt, nơi đây được xem là “thiên đường” của địa lan, với một đồi lan bản địa và được người dân trồng trên các bờ rào, cổng nhà,… tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp cho một ngôi làng nằm giữa núi rừng Tây Nguyên. Cùng với đó, làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ cúng giọt nước,…
Bao bọc làng Vi Rơ Ngheo là dãy núi Ngọc Ruông với 4 ngọn núi: Ngọc Ruông, Nhong Năng, Ngọc Chăng và Văng I Nó, gắn với sự tích từ thuở lập làng. Đứng từ đỉnh Ngọc Ruông, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ dãy núi trùng điệp, uốn lượn bao bọc cả ngôi làng.
Đặc biệt, dãy núi Ngọc Ruông còn sở hữu một kho báu với nhiều loài hoa rừng như: địa lan, đỗ quyên, hoa sim, hoa mua tỏa sắc bốn mùa.
Bà con làng Vi Rơ Ngheo có khoảng 28% ngôi nhà sàn được làm theo đúng truyền thống của người Xơ Đăng và hàng trăm kho lúa mang đậm văn hóa truyền thống. Các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng, độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng.
Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng, ngày 07/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 116 công nhận điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Mục tiêu của huyện xác định đây là điểm để da dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, kết nối với lòng hồ thủy điện và các điểm du lịch của huyện. Trong thời gian tới, huyện xây dựng làng này trở thành điểm đến hấp dẫn và đạt chuẩn ASEAN về du lịch cộng đồng.”