Doanh nghiệp

Người lao động mất niềm tin vì nợ bảo hiểm xã hội

Nguyễn Việt 29/07/2023 - 16:54

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp khiến cho hàng trăm nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Chị Lê Thị Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Minh Anh, tỉnh Nghệ An nêu ý kiến tại Diễn đàn người lao động năm 2023: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”, ngày 28/7.

Chị Lê Thị Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Minh Anh, tỉnh Nghệ An.

Theo chị Lê Thị Hà, qua chia sẻ của đồng nghiệp ở nhiều doanh nghiệp cả nước khi phải chứng kiến cảnh rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có công nhân con đã 8 tuổi nhưng mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì.

Nghỉ hưu 8 năm vẫn chưa cầm được sổ hưu

Nhiều người lao động thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, qua đời mà không có được trợ cấp thất nghiệp, có người nghỉ hưu 7-8 năm vẫn chưa cầm được sổ hưu, thậm chí còn bị nghi ngờ “gửi lương hưu cho người khác”.

“Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để còn lo cho cuộc sống trước mắt. Như vậy, chúng ta đang nợ và có lỗi với người lao động, vì họ chỉ biết đóng đủ, không biết gì đến lỗi của người khác, còn hậu quả thì chính họ phải gánh chịu. Do đó, rất mong Quốc hội và các cơ quan sớm giải quyết vấn đề này”, Chị Hà bày tỏ.

Còn theo chị Lương Thị Tho, công nhân Xí nghiệp Quản lý và xử lý chất thải Đình Vũ (thành phố Hải Phòng), hiện nay người công nhân lao động rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Để giảm thiểu tình trạng này, theo chị Lương Thị Tho bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.

chị Lương Thị Tho, công nhân Xí nghiệp Quản lý và xử lý chất thải Đình Vũ (thành phố Hải Phòng).

"Pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút bảo hiểm xã hội một lần", chị Tho kiến nghị.

Đối với việc Công đoàn khởi kiện bảo hiểm xã hội, chị Lương Thị Tho cho biết đến nay vẫn bế tắc, mặc dù Công đoàn hết sức cố gắng, nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Từ đó, chị Lương Thị Tho đề nghị Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn. Đề nghị bỏ quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội: “Công đoàn khởi kiện phải được người lao động ủy quyền”.

Vì Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo Điều 10 Hiến pháp và Điều l Luật Công đoàn. Nếu yêu cầu người lao động ủy quyền sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, đối với những doanh nghiệp đông công nhân, vài chục nghìn người thì sẽ rất tốn kém thời gian, công sức và thiếu tính khả thi. “Thay vào đó, chỉ cần người lao động đề nghị với Công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ”, chị Tho nói.

Trình Quốc hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trong tháng 8

Trả lời về nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 8 tới Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét với tinh thần chung là tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn mới đây là tập trung chỉnh sửa những bất cập và mở hướng phát triển bảo hiểm linh hoạt đa tầng, đồng thời tăng quyền lợi của người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tập trung 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung theo Nghị quyết 28 của Trung ương gồm có: Xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với giải pháp hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Dự thảo trình với Thường vụ Quốc hội các phương án khác nhau theo hướng vừa đảm bảo an sinh xã hội đồng thời đảm bảo cho người lao động khi thật sự cần thì vẫn có thể rút nhưng phải hài hòa, đồng thời cũng có chính sách đảm bảo cho người lao động không cần rút bảo hiểm xã hội một lần mà vẫn có chính sách bù đắp hỗ trợ khi khó khăn.

Về chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tập trung đẩy nhanh triển khai các giải pháp khắc phục việc chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, trong đó có áp dụng tất cả các giải pháp mà các nước trên thế giới đang áp dụng để ngăn chặn việc trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với bảo hiểm thất nghiệp, đây chính là bà đỡ của thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi đồng thời với sửa Luật Việc làm trong năm 2025. Kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta hiện nay ở mức độ an toàn, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta là 100.000 tỷ đồng, nhưng đã sử dụng 41.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động thất nghiệp trong đại dịch Covid-19, hiện nay tình hình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên nhiều nên kết dư Quỹ ở mức độ an toàn, chứ cũng không còn nhiều.

Liên quan tới vấn đền nợ, chậm đóng BHXH, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, nếu số nợ chậm đóng BHXH từ năm 2016 là 6% trên tổng thu BHXH trong 1 năm, đến năm 2022 đã giảm xuống còn 2,91% trên tổng thu trong 1 năm. Điều đó thể hiện sự quyết liệt của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và sự phối hợp của BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam…

, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.

Về tình hình nợ, chậm đóng BHXH, BHXH Việt Nam rất chia sẻ với người lao động và cũng rất trăn trở về vấn đề này. Qua phân tích, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Trong đó, thường xuyên bám sát và nắm chắc tình hình doanh nghiệp, trên cơ sở đó các dòng tiền ưu tiên đóng trước cho người lao động.

“Trên cơ sở dữ liệu sẵn có của BHXH Việt Nam, chúng tôi đã phân tích rủi ro, và nhận diện những doanh nghiệp có khả năng chậm và trốn đóng BHXH. Hiện chúng tôi đã xây dựng ứng dụng BHXH số - VssID. Đặc biệt, từ 1/5/2023, trong ứng dụng này đã báo tình hình chậm đóng BHXH từ 1 tháng trở lên của bất cứ doanh nghiệp nào. Bởi vậy, người lao động khi cài ứng dụng này, doanh nghiệp nào đang nợ hoặc chậm đóng BHXH sẽ phát hiện ra. Trên cơ sở đó, người lao động sẽ cùng với tổ chức Công đoàn và BHXH Việt Nam đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động”, ông Mạnh nói.

BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thu nợ BHXH. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng sử dụng tất cả các biện pháp khác như công khai danh sách nợ, phối hợp với Công an để tiến hành đưa những hồ sơ đủ điều kiện chuyển sang cơ quan Công an để khởi tố… theo quy định.

“Việc căn cơ là thời tới đây khi sửa đổi Luật BHXH cần đưa vào những biện pháp đủ mạnh để doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đống BHXH cho người lao động”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Tăng tiền lương đóng BHXH trong doanh nghiệp từ 1/7/2025?

Thưởng Tết Nguyên đán 2025: Xuất hiện mức cao nhất lên tới gần 110 triệu đồng

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/nguoi-lao-dong-mat-niem-tin-vi-no-bao-hiem-xa-hoi-248296.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người lao động mất niềm tin vì nợ bảo hiểm xã hội
    POWERED BY ONECMS & INTECH