Người mua hoài nghi chất lượng sản phẩm, giá rẻ trở thành 'con dao hai lưỡi' đối với xe điện Trung Quốc
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, vốn có lợi thế về chi phí so với các đối thủ, nên tập trung vào các mẫu xe cao cấp và đắt tiền.
Theo công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co, sự cạnh tranh về giá giữa các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc tại nước ngoài là không bền vững vì người tiêu dùng sẽ bắt đầu nghi ngờ chất lượng và độ tin cậy của ô tô nếu chúng thường xuyên được giảm giá.
Các nhà lắp ráp xe điện Trung Quốc, vốn đã có lợi thế về chi phí so với các đối thủ quốc tế, nên tập trung vào các mẫu xe cao cấp và đắt tiền khi xây dựng hình ảnh toàn cầu, thay vì bán những chiếc xe rẻ hơn để thu hút những người tiêu dùng có ngân sách eo hẹp, Bain & Co nhận định.
Helen Liu, một đối tác của Bain & Co, cho hay: “Các công ty Trung Quốc có tiềm năng định nghĩa lại xe điện để có thể thuyết phục khách hàng toàn cầu về khả năng cạnh tranh về hiệu suất và công nghệ của sản phẩm của họ. Lợi thế về giá sẽ dần mất đi sức hấp dẫn. Chính chất lượng sản phẩm, công nghệ và nhận thức về thương hiệu mới là chìa khóa thành công của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc”.
Nhận định của bà Liu trùng với quyết định của Liên minh Châu Âu (EU) về việc áp thuế bổ sung lên tới 38% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sau cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài 9 tháng.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo mới nhất về chiến lược đẩy mạnh toàn cầu hóa và đầu tư nước ngoài của các công ty Trung Quốc, Bain & Co đề xuất các nhà lắp ráp xe điện nên thiết lập cơ sở sản xuất ở những khu vực mà họ muốn giành thị phần nếu muốn tránh thiệt hại từ các mức thuế quan trừng phạt nhắm vào xe của họ.
Tuy nhiên, công ty cũng cảnh báo rằng việc nội địa hóa sản xuất mang lại rủi ro phát sinh từ căng thẳng địa chính trị và việc tuân thủ quy định.
Cuộc chiến xe điện Trung Quốc lan ra toàn cầu
Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, với doanh số bán xe điện chiếm 60% tổng doanh số toàn cầu. Tháng 9/2023, UBS dự đoán ô tô do Trung Quốc sản xuất, được hưởng lợi từ tốc độ điện khí hóa nhanh hơn, sẽ kiểm soát 1/3 thị trường toàn cầu vào năm 2030, tăng từ mức 17% vào năm 2022.
Trong một báo cáo phân tích, ngân hàng Thụy Sĩ nhận thấy rằng mẫu xe sedan thuần điện của BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, có lợi thế sản xuất vượt trội hơn so với Model 3 của Tesla được lắp ráp tại Trung Quốc.
Báo cáo cho biết chi phí chế tạo mẫu xe Seal của BYD thấp hơn 15% so với đối thủ Model 3. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra rằng ngay cả khi tính đến các rào cản thương mại gia tăng như thuế quan, mẫu xe Seal của Trung Quốc vẫn duy trì được mức giá thành cạnh tranh hơn 25% so với các đối thủ tại châu Âu.
Mẫu xe Seal 2025 của BYD. Ảnh: Internet |
Cuộc chiến về giá giữa các nhà lắp ráp xe điện Trung Quốc đã lan rộng ra thị trường nước ngoài khi hơn chục công ty tìm cách ra nước ngoài để tăng doanh số bán hàng và theo đuổi lợi nhuận cao hơn để bù đắp khoản lỗ trong nước.
Các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá ở các thị trường nước ngoài như Đông Nam Á trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tình trạng dư thừa công suất tại Trung Quốc.
Tại Thái Lan, các nhà sản xuất ô tô lâu đời như BYD và Great Wall Motor cũng như các công ty khởi nghiệp về xe điện như Hozon New Energy Automobile đang đưa ra các chương trình giảm giá nhằm cạnh tranh với các đối thủ Nhật Bản với xe chạy xăng thống trị thị trường.
Tháng trước, Deloitte cho biết trong một báo cáo rằng BYD chiếm 33% thị phần xe điện tại các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo sau là ô tô điện mang thương hiệu Neta chiếm 14% tổng doanh số khu vực.
>> Cổ phiếu các công ty xe điện Trung Quốc tăng vọt sau khi EU áp thuế nhập khẩu lên tới gần 40%