Xã hội

Người phụ nữ vào top 'quyền lực nhất châu Á' của Việt Nam, đứng đầu thương hiệu tỷ USD nhưng khi về nhà lại làm ‘osin’

Thái Hà 20/10/2024 09:28

Dù là một nữ doanh nhân đứng đầu thương hiệu sữa tỷ USD nhưng bà không thuê giúp việc, vẫn tự tay nấu cơm, lau nhà…

Nữ doanh nhân đưa sữa Việt thành thương hiệu tỷ USD

Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên vừa được vinh danh trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á" (Fortune's Most Powerful Women Asia 2024). Bà cũng là một trong số ít nữ doanh nhân tại Việt Nam được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Gắn bó gần 50 năm với Vinamilk, tầm nhìn và chiến lược sắc bén của bà đã đưa hãng sữa Việt này vươn lên trở thành thương hiệu tỷ USD.

Người phụ nữ vào top 'quyền lực nhất châu Á' của Việt Nam, đứng đầu thương hiệu tỷ USD nhưng khi về nhà lại làm ‘osin’
Bà Mai Kiều Liên đã có gần 50 năm làm việc tại Vinamilk, trong đó có 3 thập kỉ ở cương vị Tổng Giám đốc. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, ít ai biết rằng cơ duyên của bà với ngành sữa lại bắt đầu từ một sự lựa chọn đầy "khiên cưỡng". Trong một lần chia sẻ trước truyền thông năm 2018, bà Mai Kiều Liên từng kể lại:

“Trong đoàn học sinh Việt Nam sang Liên Xô hồi đó có 176 người, có 4 người ‘bị’ yêu cầu học về công nghệ chế biến sữa trong đó có tôi. Trước khi đi học không ai biết mình sẽ học gì cho đến khi tới biên giới Liên Xô và Trung Quốc thì mới được biết.

Hồi đó đi, người ta mơ học Vật lí, Hóa học, học Y, các ngành kỹ thuật khác chứ chế biến thịt, sữa hoàn toàn không có trong suy nghĩ, vì nước mình không có nhà máy làm sữa. Ngoài Bắc mới có nông trường Mộc Châu được mấy trăm con bò thôi. Nên khi nghe ngành mình phải học, tôi rất ngỡ ngàng, thất vọng”.

Người phụ nữ vào top 'quyền lực nhất châu Á' của Việt Nam, đứng đầu thương hiệu tỷ USD nhưng khi về nhà lại làm ‘osin’
Nữ doanh nhân giới thiệu về Nhà máy Sữa Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương. Ảnh: Internet

Dù vậy, bà không thể từ chối và quyết định xin ý kiến của cha mình, bác sĩ Mai Văn Thông. Cha bà khuyên rằng sau chiến tranh, vấn đề cấp thiết là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và tăng cường sức khỏe cho mọi người. Nghe lời cha, bà đã quyết tâm học ngành Chế biến sữa và từ đó, sự nghiệp của bà gắn liền với ngành này.

Năm 1976, sau khi tốt nghiệp kỹ sư, bà Liên trở về Việt Nam và làm việc tại Công ty Sữa và Cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk ngày nay. Từ vị trí kỹ sư ban đầu, bà nhanh chóng thăng tiến, trở thành Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc. Từ năm 1992 đến nay, bà là Tổng Giám đốc của Vinamilk.

Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đến năm 2015, bà tập trung hoàn toàn vào vai trò điều hành với tư cách Tổng Giám đốc.

Nửa thế kỷ gắn bó với Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã biến công ty này trở thành một biểu tượng quốc gia trong lòng người dân Việt Nam. Phần lớn các sản phẩm mới của Vinamilk hàng năm đều được phát triển từ ý tưởng của bà, mang lại nhiều giá trị cho công ty và đất nước.

Người phụ nữ vào top 'quyền lực nhất châu Á' của Việt Nam, đứng đầu thương hiệu tỷ USD nhưng khi về nhà lại làm ‘osin’
Bà Mai Kiều Liên nhận giải thưởng "Thành tựu trọn đời” từ Forbes Việt Nam. Ảnh: Internet

Với các đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp sữa trong nước và khu vực, bà Mai Kiều Liên đã được trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2006, 2001), được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017). Năm 2018, bà là người phụ nữ duy nhất được Forbes Việt Nam vinh danh "Thành tựu trọn đời”. Bà cũng nhiều lần được các tổ chức quốc tế uy tín như Nikkei, Forbes châu Á bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, có đóng góp nổi bật cho nền kinh tế Việt Nam và khu vực.

Coi công việc nội trợ như một sở thích

Để hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo tại Vinamilk, bà Mai Kiều Liên luôn coi trọng việc duy trì sức khỏe và sự cân bằng trong cuộc sống. Bà từng chia sẻ rằng mình có nếp sống rất kỷ luật, luôn dành 2 tiếng mỗi ngày cho yoga sau giờ làm việc.

Dù là lãnh đạo cấp cao với nhiều công việc bận rộn, bà Liên vẫn duy trì giờ làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều như các nhân viên khác. Ở nhà, bà không thuê người giúp việc. Nữ doanh nhân cho biết coi việc nội trợ là một sở thích giúp bà tìm lại sự cân bằng sau những áp lực công việc.

Người phụ nữ vào top 'quyền lực nhất châu Á' của Việt Nam, đứng đầu thương hiệu tỷ USD nhưng khi về nhà lại làm ‘osin’
Dù là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á nhưng bà Liên chia sẻ, khi về nhà bà luôn tự tay chăm sóc gia đình. Ảnh: Internet

Mỗi cuối tuần, bà tự mình đi chợ và chuẩn bị thức ăn cho cả tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật. Trong ngày thường, bà hoặc chồng sẽ tự nấu ăn và chuẩn bị các bữa cơm gia đình.

“Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Về nhà tôi là osin. Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng có thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình”.

Về lý do không nhờ người giúp việc, Tổng Giám đốc Vinamilk lý giải vì không muốn con mình ỷ lại, trông chờ vào người khác phục vụ mình những công việc mà bản thân phải tự làm như cơm nước, giặt giũ.

>> Những doanh nhân giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20: Từ ‘ông tổ’ của nhiều ngành nghề đến người hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng, tặng nhà máy in tiền cho Chính phủ

Nữ doanh nhân và khát vọng Việt Nam hùng cường

Hai nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á trong ngành ngân hàng nắm giữ khối tài sản tỷ đô

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-phu-nu-vao-top-quyen-luc-nhat-chau-a-cua-viet-nam-dung-dau-thuong-hieu-ty-usd-nhung-khi-ve-nha-lai-lam-osin-254766.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Người phụ nữ vào top 'quyền lực nhất châu Á' của Việt Nam, đứng đầu thương hiệu tỷ USD nhưng khi về nhà lại làm ‘osin’
POWERED BY ONECMS & INTECH