Nhạc sĩ Phạm Tuyên vừa làm được một điều chưa từng có tiền lệ ở tuổi 95
Cụ thể, nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam vừa nhận được danh hiệu cao quý "Hiệp sĩ Dế Mèn".
Ngày 28/5, Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 6 – 2025. Năm nay, danh hiệu cao quý "Hiệp sĩ Dế Mèn" được trao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây cũng lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng, một nhạc sĩ được vinh danh ở hạng mục này.
Giải thưởng Dế Mèn năm 2025 thu hút 97 tác phẩm thiếu nhi được sáng tác và hoàn thiện trong giai đoạn 2024–2025. Các tác phẩm đến từ hai nguồn: gửi trực tiếp từ tác giả và đề cử từ các nhà xuất bản cùng đội ngũ cộng tác viên thân thiết của Báo Thể thao và Văn hóa – những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thiếu nhi. Qua hai vòng chấm chọn, Hội đồng giám khảo đã tuyển lựa ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất bước vào vòng chung khảo.
Giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên – người đã dành trọn đời sáng tác của mình cho thiếu nhi, với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian.

Tại lễ trao giải, do sức khỏe yếu, nhạc sĩ Phạm Tuyên không thể phát biểu. Con gái ông – nhà báo Hồng Tuyến đã thay mặt cha chia sẻ: "Ngày hôm nay, ông ở đây nhận một giải thưởng vô cùng cao quý nhờ sự nghiệp văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Có lẽ, viết cho các em nhỏ là việc ông trân quý nhất. Ở nhà, ông luôn treo bằng kỷ lục Việt Nam cho nhạc sĩ viết nhiều ca khúc thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: "Nhạc sĩ Phạm Tuyên là một nhạc sĩ lớn. Ông là một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, xòe ra đến 3 cái nhánh: một là nhạc trữ tình, hai là nhạc cách mạng, và ba là nhạc thiếu nhi. Ở mảng nào, ông cũng xuất sắc. Đặc biệt, Phạm Tuyên như là một 'bảo tàng lịch sử bằng âm thanh'. Các sự kiện lớn của đất nước đều in dấu trong âm nhạc của ông. Kể cả những sáng tác về các ngành nghề, ông cũng rất giỏi. Còn riêng ở mảng sáng tác cho trẻ con, có thể nói, các nhạc sĩ của chúng ta đã có nhiều bài hát rất hay”.
Không chỉ giành giải thưởng lớn nhất, bộ sách Khúc đồng dao của bé do nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà báo Hồng Tuyến đồng tác giả cũng góp mặt trong danh sách chung khảo. Tác phẩm tập hợp 41 bài đồng dao được phổ nhạc dưới hình thức đa phương tiện, kết hợp kể chuyện, minh họa và mã QR để nghe âm thanh. Trong đó, một số bài như Rềnh rềnh ràng ràng, Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Bầu và Bí, Con chim chích chòe đã có bản thu âm từ trước; còn lại 36 bài được gia đình thu mới.

Tác phẩm Về quê - Khúc đồng dao của bé không đơn thuần là tuyển tập bài hát mà là sự kết hợp sáng tạo giữa âm nhạc, kể chuyện và hình ảnh minh họa, tạo thành trải nghiệm liên hoàn dành cho trẻ. Mỗi tập sách là nỗ lực gìn giữ bản sắc Việt Nam qua những hình vẽ tươi sáng, nội dung giản dị và những khúc đồng dao ngọt ngào. Các bài hát không chỉ là giai điệu hay câu chuyện mà còn mang tính tương tác như trò chơi dân gian, giúp trẻ tiếp cận âm nhạc một cách sinh động hơn.
Sinh năm 1930, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông để lại dấu ấn đậm nét ở nhiều thể loại, đặc biệt nổi bật với hơn 200 ca khúc thiếu nhi, chiếm một phần ba trong tổng số hơn 700 sáng tác của ông. Những bài hát như Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Trường cháu là trường mầm non, Chú voi con ở Bản Đôn, Tiến lên đoàn viên đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của nhiều thế hệ.
Bên cạnh những ca khúc nổi tiếng, ông còn sở hữu một “kho báu” quý giá là 41 bài đồng dao cổ được ông phổ nhạc, mang đậm sắc thái dân gian, gần gũi với thiên nhiên, con người và văn hóa Việt Nam.
Qua 5 mùa trao giải trước, đã có 3 danh hiệu Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023), Lý Lan (2024). Bên cạnh đó là 23 giải Khát vọng Dế Mèn và 4 Tặng thưởng dành cho các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có 7 tác giả là thiếu nhi.