Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội, tổng số nợ thuế trên địa bàn tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 23.424 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Báo Công Thương, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, hạn chế, tồn tại trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính dẫn số liệu báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, tổng số nợ thuế trên địa bàn đến ngày 31/12/2023 là hơn 23.424 tỷ đồng trong đó, nợ thuế, phí là hơn 5.799 tỷ đồng; nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất là hơn 7.935 tỷ đồng; nợ tiền phạt, chậm nộp là hơn 9.698 tỷ đồng; các khoản nợ khác là hơn 10,2 tỷ đồng.
“Tổng số nợ này chiếm 7,7% (23.424 tỷ đồng/303.912 tỷ đồng), không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào ngân sách Nhà nước năm 2022, đạt chỉ tiêu do Tổng cục Thuế giao theo Công văn số 329/TCT-QLN ngày 28/1/2022”, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là trong tổng số nợ thuế này, theo Thanh tra Bộ Tài chính thì số nợ có khả năng thu là 12.635 tỷ đồng; nợ khó thu là 5.793 tỷ đồng; nợ đang xử lý là hơn 4.917 tỷ đồng; nợ đang khiếu nại là hơn 78,2 tỷ đồng.
Đối với nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất là hơn 7.935 tỷ đồng, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết có hơn 3.020 tỷ đồng là nợ tiền sử dụng đất, hơn 4.603 tỷ đồng nợ tiền thuê đất và tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là hơn 312 tỷ đồng.
>> Loạt dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam 'rục rịch' xây dựng, mở rộng trong đầu năm 2024
Một số trường hợp đáng chú ý trong kết luận Thanh tra Bộ Tài chính bao gồm dự án Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; dự án đầu tư xây dựng khu thương mại - dịch vụ - nhà ở 1/5 tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh và khu đô thị mới Phú Lương.
Cụ thể, dự án Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai do Công ty TNHH Hòa Bình liên danh với CTCP Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư, nợ tiền sử dụng đất từ năm 2013 nhưng chưa được xử lý dứt điểm là 193,6 tỷ đồng.
“Cơ quan Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc nhưng đến nay (thời điểm thanh tra là tháng 12/2023), công ty không nộp tiền còn lại do kết luận thanh tra TP. Hà Nội xác định số phải nộp thấp hơn so với quyết định của UBND TP. Hà Nội. UBND thành phố đã có Văn bản số 13414/VP-KTTH ngày 14/11/2023 giao Thanh tra TP. Hà Nội giải quyết nội dung kiến nghị nhưng đến tháng 12/2023 chưa xử lý”, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết.
>> Việt Nam sắp có khu thương mại tự do đầu tiên?
Đối với dự án đầu tư xây dựng khu thương mại - dịch vụ - nhà ở 1/5 do CTCP Phát triển Đô thị Đông Anh làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, UBND TP. Hà Nội giao 73.797,4m2 đất tại tổ 53, thị trấn Đông Anh (giai đoạn 1) tại Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 17/4/20218 và phê duyệt giá đất tại Quyết định số 5808/QĐ-UBND ngày 26/10/2018.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, tiền sử dụng đất sau khi trừ tiền giải phóng mặt bằng dự án là hơn 345,4 tỷ đồng, chủ đầu tư đã nộp hơn 325,6 tỷ đồng, số còn lại phải nộp là hơn 19,8 tỷ đồng.
Còn lại là dự án khu đô thị mới Phú Lương do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Việt làm chủ đầu tư, theo Thanh tra Bộ Tài chính, dự án được UBND TP. Hà Nội giao đất tại Quyết định số 4460/QĐ-UBND ngày 5/10/2012, điều chỉnh tại Quyết định số 6469/QĐ-UBND ngày 5/12/2014 và phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Quyết định số 7256/QĐ-UBND ngày 30/12/2014.
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm tháng 12/2023, công ty còn nợ tiền sử dụng đất (chưa bao gồm tiền chậm nộp) là 200 tỷ đồng.
“Nguyên nhân do dự án được thành phố đồng ý chủ trương cho phép đối trừ vào tiền sử dụng đất khoản chi phí di chuyển, hạ ngầm đường điện cao thế 220kV và 110kV thuộc phạm vi dự án và cho phép Cục Thuế tạm thời không thu khoản tiền tương đương chi phí di chuyển, hạ ngầm dự kiến 230 tỷ đồng; thành phố hiện đang giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác định lại chi phí di chuyển theo quy định”, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết.