Tính từ đầu năm, giá trị mua ròng của cổ phiếu này lên đến 611,2 tỷ đồng, đứng đầu nhóm ngân hàng trên thị trường chứng khoán.
Phiên 8/5, nhờ lực mua quay lại tại loạt cổ phiếu trụ trong phiên ATC, chỉ số VN-Index “thoát thua” dù đã từng có lúc giảm gần 14 điểm trong phiên sáng. Kết phiên, VN-Index tăng 1,83 điểm, lên 1.250 điểm. Về thanh khoản, gần 982 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương giá trị đạt 23.308 tỷ đồng.
Toàn sàn có 223 mã tăng, 200 mã giảm và 80 mã đứng giá. Sắc xanh cũng phủ rộng ở 3 sàn dù 3 chỉ số đều tăng nhẹ.
Mạch tăng 6 phiên liên tiếp tại sàn HoSE gặp "sóng gió" một phần đến từ áp lực khối ngoại, khi sau 3 phiên ghi nhận mua ròng liên tiếp, nhóm nhà đầu tư này bán ròng đột biến gần 1.300 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, VHM là tâm điểm, khi bị "xả mạnh" tới 927 tỷ đồng.
>> Một cổ phiếu dịch vụ tài chính tăng kịch trần, cổ đông 'vỗ tay ăn mừng' vì sắp x2 tài khoản
“Vắng bóng” những cổ phiếu “vua” trong top mua ròng 5 ngày giao dịch gần đây |
Nhóm ngân hàng cũng được khối ngoại giao dịch không mấy tích cực trong phiên hôm nay. Thống kê cho thấy, chỉ có 3 mã ngân hàng được nhóm nhà đầu tư này mua ròng. Nhìn lại diễn biến khối ngoại trong 5 ngày giao dịch gần đây, nhóm ngân hàng gần như “vắng bóng” trong TOP mua ròng.
Tuy vậy, vẫn có một cổ phiếu “vua” điểm xuyết bên cạnh những cái tên là “niềm yêu thích” của khối ngoại MWG, HPG, VNM, MSN, đó là cổ phiếu VCB của “ông lớn” Vietcombank. Theo đó, nhóm nhà đầu tư ngoại đã duy trì mua ròng 7 phiên liên tiếp cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường.
Theo dữ liệu của FiinTrade, trong 5 ngày giao dịch gần nhất, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua ròng VCB là 114,4 tỷ đồng, chỉ đứng sau 4 cổ phiếu kể trên. Tính từ đầu năm, nhóm này đã mua ròng 611,2 tỷ đồng VCB - đứng đầu ngành ngân hàng.
Giao dịch khối ngoại cổ phiếu VCB những phiên gần đây |
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank đạt 10.718 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức 8.568 tỷ đồng, giảm 4,5%. Mặc dù lợi nhuận giảm, Vietcombank vẫn đứng đầu bảng xếp hạng ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong 3 tháng đầu năm 2023.
Tất cả các mảng kinh doanh của Vietcombank đều có kết quả kém hơn so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lõi - thu lãi thuần giảm gần 1%, xuống 14.078 tỷ đồng. Theo lý giải của đại diện Vietcombank trong ĐHĐCĐ vừa qua, thu nhập lãi thuần đi xuống do tác động từ việc giảm lãi suất sâu. Thu ngoài lãi cũng ghi nhận kết quả không mấy tích cực.
>> Vietcombank ghi nhận tín dụng và huy động đều sụt giảm trong quý I/2024, nợ xấu tăng lên 1,22%
Do tất cả các mảng kinh doanh đều đi xuống so với cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Vietcombank đã giảm 6,7%, xuống 17.280 tỷ đồng; chi phí hoạt động được tinh giản, giảm 4,2%. Nhờ chi phí dự phòng rủi ro trong quý đầu năm là 1.508 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước thuế chỉ giảm 4,5%.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Vietcombank giảm 3,6%, xuống 1,77 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng giảm 3,5%, xuống 1,35 triệu tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng cho biết huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM, hiệu quả sử dụng vốn.
Số dư nợ xấu ngân hàng tăng 24,1% lên 15.459 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu lên 1,22%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức gần 200%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng. Theo đại diện Vietcombank, nợ xấu trong quý I tăng lên ở cả nhóm bán buôn và nợ xấu bán lẻ.
>> Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị KHẢ QUAN, kỳ vọng tăng đến 51%