Nữ Luật sư duy nhất Việt Nam được bình chọn là ‘Người phụ nữ thiên niên kỷ’, tốt nghiệp Thủ khoa Tiến sĩ tại Mỹ, được lấy tên để đặt tên cho đường phố
Bà từng được mệnh danh là "người đàn bà không biết sợ" khi hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh đòi quyền sống cho dân tộc.
Từng được đích thân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mời về làm việc
Luật sư Ngô Bá Thành, tên thật là Phạm Thị Thanh Vân, sinh ngày 25/9/1931 tại Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức giàu có. Bà nổi tiếng với các hoạt động yêu nước mạnh mẽ ngay tại Sài Gòn, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy, khiến nhiều trí thức trẻ thời đó khâm phục.
Năm 18 tuổi, bà kết hôn với bác sĩ Ngô Bá Thành theo sự sắp đặt của gia đình. Sau khi kết hôn, gia đình đã quyết định cho vợ chồng bà cùng hai con sang Paris du học. Tại đây, bà vừa học tú tài, vừa học đánh máy tốc ký để kiếm sống, trong khi chồng bà học thú y. Sau khi tốt nghiệp tú tài, bà tiếp tục học Luật so sánh tại Đại học Quốc tế Paris. Tại đây, bà tiếp tục sinh thêm hai con, gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vợ chồng trẻ.
Để trang trải cuộc sống, bà làm thêm vào ban đêm bằng việc đánh máy thuê, và với nghị lực phi thường, bà không chỉ đủ sức nuôi sống gia đình mà còn đạt danh hiệu “Người vô địch nước Pháp về đánh máy tốc ký” với phần thưởng lớn. Trong thời gian theo học tại Pháp, bà Thành đánh máy tốc ký các bài giảng để bán lại cho sinh viên không thể đến lớp, giúp bà vừa có thêm kiến thức vừa có thu nhập.
Năm 1957, bà nhận bằng Tiến sĩ Luật so sánh loại xuất sắc và được trao giải thưởng khoa học Levy Uliman. Báo chí Pháp nói riêng, châu Âu nói chung đã không tiếc lời ca ngợi bà, khâm phục người phụ nữ Việt Nam ở tuổi 26 với bốn con nhỏ lại nhận bằng Tiến sĩ với cấp bậc thủ khoa, điều chưa từng thấy ở châu Âu. Với thành tích này, bà được mời về giảng dạy Luật so sánh tại Đại học Quốc tế Paris và nghiên cứu luật pháp các nước châu Mỹ La-tinh.
Sau một thời gian giảng dạy, bà tiếp tục học luật tại Đại học Barcelona, Tây Ban Nha và đạt thêm bằng Tiến sĩ Luật công ty loại xuất sắc. Luận án Tiến sĩ của bà được in và bán rộng rãi khắp châu Mỹ La-tinh, đem lại cho bà nguồn nhuận bút tương đối.
Theo đề cử của Trường Đại học Quốc tế Paris, Trường Đại học Columbia Hoa Kỳ - trường đại học uy tín nhất nước Mỹ thời đó cấp học bổng để bà sang Mỹ tiếp tục nghiên cứu. Cũng tại trường này, bà lại một lần nữa tạo sự bất ngờ cho mọi người khi được cấp bằng Tiến sĩ Luật thương mại loại xuất sắc.
Với hàng loạt thành tích xuất sắc, bà Ngô Bá Thành được đích thân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Hama Rjoeld mời làm việc cho Ban Luật quốc tế. Đây là người Việt Nam đầu tiên, lại là nữ được vinh dự đó vì ngoài chuyên môn sâu rộng trong đa ngành luật, bà còn thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, Pháp, và Tây Ban Nha. Với lý do trường cũ - Đại học Quốc tế Paris, nơi cử bà đi đào tạo, yêu cầu bà về đảm nhiệm chức Giám đốc Nghiên cứu Khoa học kiêm Giám đốc Tổ chức, bà đã từ chối.
"Người đàn bà không biết sợ"
Năm 1963, nữ Luật sư Ngô Bá Thành rời Pháp trở về Việt Nam sau khi đi khắp châu Âu, châu Mỹ với mong muốn đem kiến thức đã tích lũy được để phụng sự Tổ quốc. Nhưng thực tế đau lòng của “miền Nam đau thương và tang tóc” thời đó đã làm bà thất vọng. Dưới sự tác động to lớn của người cha - một nhân sĩ yêu nước, bà bước vào cuộc chiến đấu đòi quyền sống cho dân tộc.
Vào thời điểm đó, hàng nghìn Việt kiều tại Campuchia bị thảm sát, gây nên làn sóng phẫn nộ và phong trào đấu tranh chống chính phủ Lon Nol. Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ. Trong bối cảnh đó, phong trào Phụ nữ đòi quyền sống tại Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam.
Ngày 2/8/1970, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống chính thức ra mắt tại chùa Ấn Quang, với bà Ngô Bá Thành làm Chủ tịch và nữ sinh viên Trần Thị Lan làm Tổng Thư ký. Để mở rộng phong trào, bà Ngô Bá Thành đã vận động nữ trí thức, công chức cấp cao, và cả các phu nhân của các tướng tá chính quyền Sài Gòn tham gia. Bà đã mạnh mẽ khẳng định quyền yêu cầu hòa bình của toàn dân Việt Nam, nhấn mạnh rằng chỉ người Việt Nam mới có thể giành lấy hòa bình thực sự.
Sau khi hòa bình được lập lại, bà Ngô Bá Thành giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Bà từng là Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Bà cũng là nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và từng là đại biểu Quốc hội trong các khóa VI, VII, VIII, và X. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Hiệp hội Luật sư Quốc tế Mỹ.
Bất cứ khi nào phát biểu, bà Ngô Bá Thành luôn thể hiện sự mạch lạc, chặt chẽ và sôi nổi, tạo nên sự sôi động trong nghị trường. Với những cống hiến to lớn, năm 1998, bà được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ bình chọn là "Người phụ nữ của năm 1998" và Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Anh vinh danh là "Người phụ nữ thiên niên kỷ." Cùng năm, bà còn trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên giữ chức Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Tiểu sử Quốc tế khu vực châu Á.
Bà Ngô Bá Thành qua đời ngày 3/2/2004 tại nhà riêng, hưởng thọ 73 tuổi. Năm 2018, để tri ân những đóng góp to lớn của người con Hà Tĩnh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tên của bà Ngô Bá Thành được đặt cho một tuyến đường tại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ. Tuyến đường này có chiều rộng 6,5m và dài 350m, chạy qua địa phận hai tổ dân phố 5 và 6.