Nửa năm sau khi lãnh đạo 'ra mắt showbiz': Cổ phiếu SHB và ACB cùng xác lập nhiều kỷ lục

14-01-2024 10:02|Tuệ San

Trong tuần giao dịch thứ hai năm 2024, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) đều đã xác lập những kỷ lục mới.

Tuần giao dịch 8-12/1 vừa qua chứng kiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán giao dịch mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thanh khoản tại nhóm ngân hàng tăng mạnh trở lại với cao nhất là 5.800 tỷ đồng trong phiên ngày 10/1.

2 cái tên gây ấn tượng trong đó là Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) khi cổ phiếu ACB và SHB này đều đã xác lập những kỷ lục mới.

Cổ phiếu ACB đóng cửa phiên 12/1 tăng 2,18% qua đó leo lên xác lập đỉnh lịch sử mới 25.800 đồng/cp.

Chỉ trong một tháng trở lại đây, cổ phiếu ACB đã tăng hơn 15% thị giá. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng tăng thêm gần 16.000 tỷ đồng, qua đó chạm ngưỡng 100.000 tỷ đồng (~4 tỷ USD). Đây là mức vốn hóa kỷ lục mà ngân hàng này từng chạm đến kể từ khi cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nửa năm sau khi lãnh đạo 'ra mắt showbiz': Cổ phiếu SHB và ACB cùng xác lập nhiều kỷ lục
Diễn biến giá cổ phiếu ACB (xanh) và SHB (tím)

Với SHB, cổ phiếu có chuỗi giao dịch tích cực trong 12 phiên liên tiếp (gồm 10 phiên tăng giá và 2 phiên đứng tham chiếu). Tổng cộng, SHB cũng đã tăng gần 15% lên mức 12.300 đồng/cp, sát mức đỉnh cũ hồi tháng 9/2023 (12.750 đồng/cp).

Đáng chú ý, SHB đã xác lập kỷ lục 94,3 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên ngày 11/1. Quan sát, dòng tiền vào cổ phiếu SHB bắt đầu tăng mạnh kể từ những phiên giao dịch đầu năm 2024. Chỉ tính từ ngày 2/1 tới nay, đã có gần 430 triệu đơn vị được các nhóm đầu tư sang tay (trung bình hơn 47,7 triệu cp/phiên).

Dấn ấn sau màn vũ đạo gây hot cộng đồng mạng

Nửa năm sau khi lãnh đạo 'ra mắt showbiz': Cổ phiếu SHB và ACB cùng xác lập nhiều kỷ lục
Màn nhảy dưới mưa của Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy

Một điểm chung "thú vị" giữa 2 nhà băng này là cả ACB và SHB đều đã "gây bão" với những tiết mục đặc sắc của lãnh đạo cấp cao.

ACB thu hút sự chú ý của dư luận với những câu chuyện xoay quanh vị Chủ tịch HĐQT đa tài Trần Hùng Huy. Còn nhớ cách đây 7 tháng, trong GALA kỷ niệm 30 năm thành lập của ACB tối 4/6/2023, ông Huy gây bất ngờ cho toàn bộ khán giả khi vừa đàn, hát, vừa nhảy trình diễn ca khúc “Always Remember Us This Way” và “Cô Đơn Trên Sofa”. Sức nóng của màn nhảy dưới mưa sau đó không chỉ lan trong cộng đồng “banker” mà còn được toả khắp các trang mạng xã hội.

Tới ngày 11/11/2023, tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng SHB, Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh đã gây ấn tượng cho khán giả bằng giọng hát nội lực, đồng diễn cùng tập thể nhân viên bản mashup mang tên “Tự nguyện - Một rừng cây, một đời người”.

Nửa năm sau khi lãnh đạo 'ra mắt showbiz': Cổ phiếu SHB và ACB cùng xác lập nhiều kỷ lục
Tiết mục mashup của Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh

Dấu ấn kinh doanh

Xét về câu chuyện kinh doanh, 2023 là năm đặc biệt khi cả ACB và SHB đều đánh dấu cột mốc 30 năm hình thành và phát triển. Song hành với đó, kết quả kinh doanh của 2 "ông lớn" ngân hàng đều có thành tựu đáng kể.

ACB chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng. Sau nhiều lần thực hiện điều chỉnh, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đã lên đến hơn 38.840 tỷ đồng. Con số này đưa ACB trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành, chỉ sau VPBank, MB và 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank).

Năm 2023, ACB kỳ vọng sẽ phá kỷ lục trên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt hơn 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đối với SHB, từ mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng thời điểm mới chuyển đổi từ ngân hàng Nhơn Ái, SHB hiện có vốn điều lệ gần 37.000 tỷ đồng. Từ ngân hàng cỡ nhỏ, SHB hiện có quy mô nằm trong nhóm “Big 4 tư nhân”.

Đóng góp vào kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, đạt 13.325 tỷ đồng - tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh ngoại hối thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng ấn tượng 120%, đạt 245 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của SHB đạt 596.000 tỷ đồng - tăng 8,13% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng đạt 430.000 tỷ đồng - tăng 10%; huy động vốn trên thị trường 1 đạt gần 475.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 424.000 tỷ đồng - tăng 19,8% so với cuối năm 2022.

2024 sẽ còn "rực rỡ" hơn nữa

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA đi lên, NIM tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn sẽ đến với các ngân hàng trong năm 2024. Sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng là biến số tích cực cho tăng trưởng của ngân hàng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 có thể khoảng 18,9%, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi mới. Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra dự báo thận trọng hơn khi con số tăng trưởng của toàn ngân hàng chỉ ở mức khoảng 10%.

Nửa năm sau khi lãnh đạo 'ra mắt showbiz': Cổ phiếu SHB và ACB cùng xác lập nhiều kỷ lục
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng 2024

Bước sang năm 2024, ngân hàng ACB được kỳ vọng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2% với bộ đệm dự phòng cao là 82,2%.

SSI Research dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ACB ở mức 14% YoY đạt 22.800 tỷ đồng trong năm 2024 nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM phục hồi mặc dù chi phí tín dụng có thể vẫn ở mức tương đối cao là 0,42%. ACB đang giao dịch ở mức P/B 2023 là 1,04x, khá hấp dẫn với ROE 2024 là 22,8. Giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu này là 27.500 đồng/cp.

Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) ước tính P/B 2023F của SHB ở mức 0,9x, ngang bằng mức P/B trung vị 5 năm của SHB là 1.0x và thấp hơn so với P/B toàn ngành 1.5x. ABS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 của SHB đạt 11.200 tỷ đồng (+16% YoY); ROE đạt ~20%. Với mức giá hiện tại, SHB đang được giao dịch tại P/B 2023F 0,9x lần.

Đánh giá về kỹ thuật cổ phiếu SHB, theo Chứng khoán CTS, mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là "tích cực". SHB đã thoái 50% vốn tại SHBFinance, giúp ngân hàng bổ sung thặng dư vốn. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của SHB cũng giảm từ 2,81% xuống còn 2,57% giúp cải thiện chất lượng tài sản của SHB. CTS nhận định cổ phiếu SHB có thể tiếp tục biến động tích cực trong năm 2024.

>> Triển vọng sáng hơn cho ngành ngân hàng trong năm 2024

ACB tái bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc

Công ty chứng khoán nhận định kịch bản tích cực cho tháng 1/2024

Diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng 12/1: Bất ngờ đến từ SHB, BID và MBB

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nua-nam-sau-khi-lanh-dao-ra-mat-showbiz-co-phieu-shb-va-acb-cung-xac-lap-nhieu-ky-luc-219823.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nửa năm sau khi lãnh đạo 'ra mắt showbiz': Cổ phiếu SHB và ACB cùng xác lập nhiều kỷ lục
POWERED BY ONECMS & INTECH