Thế giới

Ông Trump dọa áp thuế 35%, Nhật Bản đương đầu với kịch bản xấu nhất

Vũ Bấc 03/07/2025 12:38

Mối đe dọa áp thuế 35% từ Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ khiến thị trường tài chính Nhật Bản chao đảo mà còn đẩy Tokyo vào thế khó trong các cuộc đàm phán thương mại, khi thời hạn then chốt đang đến gần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng căng thẳng với Nhật Bản khi đe dọa áp thuế lên tới 35% đối với hàng hóa nước này, khiến giới đầu tư lo ngại về một kịch bản tồi tệ và đặt dấu hỏi về chiến lược đàm phán thương mại của Tokyo.

"Nhật Bản nên trả 30%, 35% hoặc bất kỳ mức nào chúng tôi quyết định, bởi Mỹ đang chịu thâm hụt thương mại lớn với họ", ông Trump tuyên bố, đồng thời nhắc lại khả năng nâng mức thuế cao hơn con số 24% được đề xuất vào ngày 9/7. "Tôi không chắc sẽ có một thỏa thuận. Nhật Bản rất cứng rắn. Họ đã quen được nuông chiều”.

Ông Trump dọa áp thuế 35%, Nhật Bản đương đầu với kịch bản xấu nhất - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Bộ trưởng phụ trách vấn đề Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa và phái đoàn của ông tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng ở Washington, DC, Mỹ, ngày 16/4/2025

Dù nhiều chuyên gia cho rằng phát biểu của ông Trump cần được nhìn nhận một cách thận trọng và kỳ vọng một thỏa thuận cuối cùng vẫn có thể đạt được, nhưng họ cũng cảnh báo Tokyo có thể cần điều chỉnh lập trường hiện tại để tránh leo thang căng thẳng.

“Có nguy cơ Mỹ sẽ hành động quyết liệt hơn trong tháng này, đặc biệt nếu Tổng thống nổi giận", ông Kurt Tong, cựu nhà ngoại giao cấp cao tại châu Á và hiện là đối tác điều hành tại Asia Group, nhận định. “Trong trường hợp đó, Nhật Bản có thể buộc phải đưa ra các biện pháp đáp trả cụ thể”.

Lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Trump được xem là một phần trong chiến lược đàm phán "gây áp lực cao", từng dẫn đến những nhượng bộ đáng kể vào phút chót — như trường hợp với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn buộc phải chuẩn bị cho kịch bản đàm phán đổ vỡ.

Trong khi một số nhà phân tích cảnh báo thị trường chứng khoán Nhật Bản có thể lao dốc nếu không đạt được thỏa thuận. Nhiều dự báo cho thấy chỉ số Nikkei 225 có thể giảm xuống 38.000 điểm — mức giảm hơn 4% — so với khả năng vượt mốc 40.000 nếu đàm phán thành công.

Ngày 2/7, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% và đóng cửa ở mức 39.762 điểm. Đồng yên cũng suy yếu, giao dịch ở mức 143,88 JPY/USD, giảm khoảng 0,3%.

Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ lập trường kiên định, yêu cầu loại bỏ toàn bộ thuế quan trên diện rộng, bao gồm cả các mức thuế bổ sung theo ngành đối với ô tô, thép và nhôm. Trong đó, thuế ô tô được coi là đặc biệt nghiêm trọng do ngành này đóng góp gần 10% GDP và sử dụng khoảng 8% lực lượng lao động tại Nhật.

Tokyo khẳng định rằng một thỏa thuận "hai bên cùng có lợi" phải bao gồm việc dỡ bỏ tất cả các loại thuế trong một lần duy nhất. Thủ tướng Shigeru Ishiba thậm chí cho biết ông sẵn sàng chấp nhận không có thỏa thuận nào, hơn là ký một thỏa thuận bất lợi trước cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 20/7.

Phát biểu tại Tokyo hôm 2/7, Thủ tướng Ishiba cho biết: “Nhật Bản là nhà đầu tư toàn cầu lớn nhất vào Hoa Kỳ và là nước tạo ra nhiều việc làm nhất tại Mỹ trong số các quốc gia nước ngoài. Điều đó khiến Nhật Bản khác biệt.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng tập trung vào đầu tư và việc làm tại Mỹ, như cách tập đoàn Nippon Steel kiên nhẫn theo đuổi thương vụ tiếp quản US Steel, là con đường hiệu quả để thay đổi quan điểm từ phía Washington.

Khi thời hạn ngày 9/7 (thời điểm các mức thuế mới chính thức được áp dụng) đang đến gần, một số nhà quan sát cho rằng Tokyo cần thể hiện rõ cam kết hơn để tránh leo thang xung đột.

“Chúng ta cần làm việc trực tiếp với Tổng thống Trump, trước hết là ngăn chặn mức thuế có thể được kích hoạt từ ngày 9/7,” ông Ichiro Fujisaki, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ, nhận định. “Những phát biểu gần đây cho thấy có lẽ Tokyo vẫn chưa đưa ra đủ cam kết để làm thay đổi lập trường của Washington”.

Quân bài đàm phán của Nhật Bản

Dù không sở hữu tài nguyên như đất hiếm, Nhật Bản vẫn nắm giữ đòn bẩy đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu — đặc biệt là trong ngành bán dẫn. “Khoảng một nửa nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn toàn cầu có nguồn gốc từ ngành công nghiệp Nhật Bản”, ông Ichiro Fujisaki nhận định, ám chỉ một lĩnh vực mà Tokyo có thể sử dụng để đáp trả nếu cần thiết.

Các nhà đầu tư đang dần xem xét lại mức độ rủi ro trong trường hợp đàm phán thương mại đổ vỡ. “Rủi ro sụp đổ đang bị thị trường đánh giá thấp", ông Zuhair Khan, quản lý quỹ tại UBP Investments, cảnh báo. “Luôn có khả năng xảy ra sai lầm chính sách từ cả hai phía”.

Ông dẫn chứng rằng khi Tổng thống Trump lần đầu công bố thuế quan đối với Nhật Bản, chỉ số Nikkei đã xuống mức 32.000. “Nếu khả năng không đạt được thỏa thuận là 25%, Nikkei phải điều chỉnh về mức 38.000”.

Chuyên gia Khan cũng cho biết, trong trường hợp Nhật Bản phải gánh toàn bộ mức thuế trả đũa — bao gồm mức thuế 24% đã được công bố vào cái gọi là “Ngày Giải phóng” (2/4) và hiện đang tạm thời dừng ở mức 10% — tác động kinh tế vĩ mô sẽ rất nghiêm trọng.

“Ước tính từ mô hình thương mại toàn cầu của chúng tôi cho thấy GDP trung hạn của Nhật có thể giảm khoảng 1,2%, gấp đôi mức 0,6% được dự báo nếu chỉ áp dụng mức thuế hiện tại", ông Taro Kimura, nhà kinh tế tại BNN, cho biết.

Theo ông Phillip Wool, giám đốc danh mục đầu tư tại Rayliant Global Advisors Ltd., việc đặt thời hạn trong các cuộc đàm phán là chiến thuật quen thuộc nhằm tạo đòn bẩy. “Không ngạc nhiên khi ông Trump dùng lời đe dọa thuế quan cao để thúc đẩy thỏa thuận trước khi thời hạn đến gần,” ông nhận định.

Bên cạnh đó, yếu tố chính trị trong nước cũng góp phần định hình lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump. “Câu chuyện mà ông Trump kể cho người dân là nước Mỹ đã chịu thiệt thòi trong thương mại suốt nhiều năm. Việc thể hiện thái độ cứng rắn là điều phải làm, ” - chuyên gia Wool nhận định. “Tuy nhiên, cuối cùng phải có một thỏa thuận ‘giữ thể diện’, để chứng minh rằng các cuộc đàm phán mang lại kết quả chứ không phải chỉ dẫn đến bế tắc và leo thang thuế quan”.

Dù cảnh báo trước những phản ứng hoảng loạn trước các tuyên bố của ông Trump, Wool cho rằng nếu xảy ra một đợt bán tháo mạnh trong trường hợp xấu nhất, đây sẽ là cơ hội mua vào hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.

Các chiến lược gia vẫn bất đồng về hướng đi của đồng yên nếu đàm phán đổ vỡ. Marito Ueda từ SBI Liquidity Market cho rằng tâm lý né tránh rủi ro có thể đẩy đồng yên lên mức 138 JPY/USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại dự đoán đồng nội tệ có thể suy yếu nếu căng thẳng kéo dài.

Akira Moroga, chiến lược gia trưởng tại Ngân hàng Aozora, cho biết bế tắc thương mại có thể khiến Ngân hàng Nhật Bản trì hoãn lần tăng lãi suất tiếp theo — đặc biệt nếu mức thuế 35% được kích hoạt. Theo ông, đà tăng của đồng yên có thể chậm lại sau ngưỡng 145 và khó vượt mốc 147.

Dù còn nhiều tranh cãi về diễn biến ngắn hạn, phần lớn chuyên gia đều đồng thuận hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng với cái giá không nhỏ từ phía Nhật Bản.

Tham khảo Nikkei Asia, BNN, Economist

>> Ông Trump phàn nàn Nhật Bản không mua gạo Mỹ, Tokyo đáp trả cực gắt

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay: 85% dân số có nguy cơ biến mất, Chính phủ nỗ lực giải cứu trong vô vọng

Các công ty Mỹ thiệt hại 82 tỷ USD vì chính sách thuế quan của Tổng thống Trump

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ong-trump-doa-ap-thue-35-nhat-ban-duong-dau-voi-kich-ban-xau-nhat-145985.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Ông Trump dọa áp thuế 35%, Nhật Bản đương đầu với kịch bản xấu nhất
    POWERED BY ONECMS & INTECH