Quốc gia châu Á báo động đỏ: Tỷ lệ sa sút trí tuệ tăng cao chưa từng có, dự báo chạm mốc 115 triệu ca vào năm 2050
Một nghiên cứu mới cảnh báo xu hướng này sẽ tiếp tục nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với gánh nặng kép từ dân số già hóa và các vấn đề sức khỏe cộng đồng như tiểu đường, béo phì và hút thuốc lá.
Một nghiên cứu mới công bố cảnh báo số ca mắc bệnh sa sút trí tuệ tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Cụ thể, số ca được chẩn đoán đã tăng gấp 3 lần trong 3 thập kỷ qua.
Sa sút trí tuệ não mạch (Dementia) là tình trạng suy giảm nhận thức do sự hư hại các mạch máu trong não bộ gây ra. Tình trạng này có thể do một lần đột quỵ gây ra hoặc nhiều lần đột quỵ xảy ra theo thời gian.
Năm 1990, Trung Quốc ghi nhận khoảng 4 triệu bệnh nhân sa sút trí tuệ. Con số này đã tăng lên 17 triệu vào năm 2021 và được dự báo có thể đạt 115 triệu ca vào năm 2050, theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí PLOS One hồi đầu tháng này.

Dù không chỉ ra nguyên nhân cụ thể, nghiên cứu lưu ý xu hướng gia tăng nhanh chóng số ca mắc đang làm trầm trọng thêm các thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt do dân số già hóa.
Nhóm tác giả Siyu Liu và Geng Daoying từ Đại học Phúc Đán cho biết: “Sa sút trí tuệ, bao gồm Alzheimer và các dạng khác, là một trong những nhóm bệnh tạo ra gánh nặng lớn nhất toàn cầu. Tại Trung Quốc và trên thế giới, gánh nặng bệnh tật từ nhóm này đã gia tăng liên tục từ năm 1990 đến 2021”.
Nhóm nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu Global Burden of Disease - nguồn dữ liệu mở được hỗ trợ bởi các tổ chức quốc tế như WHO - để phân tích tỷ lệ mắc mới, tỷ lệ hiện mắc, tỷ lệ tử vong và các yếu tố nguy cơ ở nhóm người từ 40 tuổi trở lên tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc sa sút trí tuệ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1990–2021. Riêng tại Trung Quốc, mức tăng lên tới gấp 3 lần.

Khi điều chỉnh theo tăng trưởng dân số, tỷ lệ mắc mới ở Trung Quốc vẫn cao hơn hẳn, với mức tăng trung bình 0,68%/năm so với chỉ 0,06% trên toàn cầu.
Theo nhóm nghiên cứu, chưa có nguyên nhân cụ thể nào lý giải đầy đủ sự khác biệt này. Nhưng các yếu tố nguy cơ hàng đầu được xác định gồm tiểu đường, béo phì và hút thuốc lá.
Tiểu đường và béo phì đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại tại Trung Quốc, với gần một nửa nam giới tại quốc gia này hút thuốc - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới, còn tỷ lệ ở nữ chỉ khoảng 2%.
Mặc dù dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, yếu tố tuổi tác chưa được xem là nguyên nhân chính cho đà tăng của các ca mắc. Nghiên cứu chỉ ra, nhóm tuổi 80 – 84 (đặc biệt là nữ giới) chiếm tỷ lệ mắc cao nhất, song vẫn là một phần nhỏ trong tổng dân số.
Nghiên cứu cũng sử dụng mô hình thống kê để dự báo xu hướng 15 năm tới. Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn, tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ được dự báo sẽ tiếp tục leo thang - đặc biệt là tại Trung Quốc.
Với tốc độ hiện tại, đến năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 152 triệu người mắc sa sút trí tuệ, trong đó hơn 2/3 số ca đến từ Trung Quốc.
Theo SCMP
COVID-19 tái bùng phát tại châu Á: Số ca tăng vọt, nhiều nơi phát ‘báo động đỏ’
Quốc gia châu Á có hơn 200 cụ già trên trăm tuổi, vẫn hưởng lương hưu hàng tháng 'đều như vắt tranh'