Xã hội

Sau 5 tháng nữa, địa phương sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất cả nước

Thái Hà 16/04/2025 16:26

Hiện nay, đây là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Huế, Hà Nội, TP. HCM), lớn thứ 2 ở miền Bắc.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Sau 5 tháng nữa, địa phương sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất cả nước - ảnh 1
Dự kiến tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng sẽ hợp nhất, lấy tên Hải Phòng. Ảnh: Internet

Trong đó, tỉnh Hải Dươngthành phố Hải Phòng sẽ được sáp nhập thành một thành phố trực thuộc Trung ương, có tên gọi là thành phố Hải Phòng. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Thủy Nguyên, thuộc thành phố Hải Phòng hiện nay. Sau sáp nhập, đơn vị mới có diện tích tự nhiên 3.194,7 km² và quy mô dân số 4.102.700 người.

Sau 5 tháng nữa, địa phương sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất cả nước - ảnh 2
Phối cảnh Trung tâm hành chính - chính trị mới của thành phố Hải Phòng. Ảnh: Cổng TTĐT

Khi đó, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất cả nước. Hiện đây là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Huế, Hà Nội, TP. HCM), lớn thứ 2 ở miền Bắc.

Theo Cổng cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng, Hải Phòng là vùng đất cổ nổi tiếng trong lịch sử, nơi nữ tướng Lê Chân từng khai phá và lập nên trang An Biên, gắn liền với tên gọi "Hải tần phòng thủ".

Dưới thời các triều đại phong kiến, vùng đất Hải Phòng gắn với nhiều chiến thắng lịch sử vang dội trên sông Bạch Đằng, như trận năm 938 của Ngô Quyền, trận năm 981 của Lê Hoàn và trận năm 1288 của Trần Hưng Đạo. Đến triều Hậu Lê (Lê sơ), khu vực này nằm trong xứ Hải Dương - vùng cực Đông ven biển của khu vực.

Thời nhà Mạc, do là quê hương của triều đại này nên nơi đây được chú trọng phát triển và xây dựng thành kinh đô thứ hai, gọi là Dương Kinh. Từ thời Lê Trung hưng đến triều Nguyễn, vùng đất này thuộc trấn Hải Dương và sau đó là tỉnh Hải Dương từ năm 1831.

Giai đoạn 1870 - 1873, dưới sự tiến cử của Doanh điền sứ Doãn Khuê, Bùi Viện được vua Tự Đức giao nhiệm vụ xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải, cùng với một căn cứ phòng thủ bờ biển liền kề, gọi là nha Hải Phòng sứ.

Sau 5 tháng nữa, địa phương sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất cả nước - ảnh 3
Toàn cảnh thành phố Hải Phòng thời thuộc Pháp. Ảnh: Internet

Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873 - 1874), nhà Nguyễn buộc phải ký Hòa ước Giáp Tuất, trong đó cho phép mở cửa giao thương tại các cảng Ninh Hải (Hải Phòng, thuộc tỉnh Hải Dương) và Thị Nại (tỉnh Bình Định), đổi lại việc Pháp rút quân khỏi Bắc Kỳ.

Tại cảng Ninh Hải, hai bên sau đó lập ra cơ quan thuế vụ chung - gọi là "Hải Dương thương chính quan phòng" để quản lý thương mại vùng cảng.

Như vậy, tên gọi "Hải Phòng" có thể bắt nguồn từ cụm từ "Hải tần phòng thủ" của nữ tướng Lê Chân từ thế kỷ I; cũng có thể là cách viết rút gọn của tên cơ quan "Hải Dương thương chính quan phòng" dưới thời Tự Đức, hoặc xuất phát từ tên "nha Hải Phòng sứ" hay "đồn Hải Phòng" do Bùi Viện lập nên từ năm 1870…

Năm 1962, thành phố Hải Phòng được thành lập trên cơ sở hợp nhất thành phố Hải Phòng cũ và tỉnh Kiến An.

Hiện nay, thành phố Hải Phòng là 1 trong 5 địa phương có quy mô lớn nhất cả nước. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 11,01%, xếp thứ 3 toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp, Hải Phòng duy trì mức tăng trưởng hai con số.

Sau 5 tháng nữa, địa phương sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất cả nước - ảnh 4
Hải Phòng hiện sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước. Ảnh: Cảng vụ Hải Phòng

Hệ thống cảng Hải Phòng là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam trong chuỗi vành đai Thái Bình Dương, với tổng chiều dài cầu cảng đạt 11,53 km, bao gồm hơn 40 cảng và 69 cầu cảng.

Ngoài ra, thành phố còn có sân bay Cát Bi, thuộc Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi. Đây là sân bay có vai trò chiến lược tại khu vực Đông Bắc đồng bằng Bắc Bộ, tọa lạc trên địa bàn quận Hải An – thành phố Hải Phòng.

Dự kiến, thành phố Hải Phòng sẽ hợp nhất với tỉnh Hải Dương - vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời.

>> Chưa đầy 5 tháng nữa, một thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam sẽ được mở rộng diện tích gấp 9 lần, trở thành thành phố lớn nhất cả nước

Vùng đất có thể trở thành thủ phủ của Hưng Yên và Thái Bình sau sáp nhập: Từng là đô thị cổ có thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất đất Bắc, nay ‘lột xác’ thành thành phố trẻ văn minh

Số lượng cán bộ, công chức trước mắt được giữ nguyên sau khi sáp nhập tỉnh

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-5-thang-nua-dia-phuong-so-huu-cang-bien-lon-nhat-mien-bac-se-la-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-nho-nhat-ca-nuoc-140599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau 5 tháng nữa, địa phương sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất cả nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH