Sau cú mất nghìn tỷ, doanh nghiệp của ông Đỗ Quý Hải có tín hiệu mới
Sau khi vốn hóa giảm 4.500 tỷ đồng và nhiều lần chậm trả lãi trái phiếu, CTCP Đầu tư Hải Phát vừa có tín hiệu mới khi mua sớm 350 tỷ đồng trái phiếu.
CTCP Đầu tư Hải Phát (mã: HPX) do ông Đỗ Quý Hải làm Chủ tịch vừa công bố về việc đã thực hiện mua sớm toàn bộ 350 tỷ đồng của lô trái phiếu HPXH2224001 đáo hạn vào ngày 12/1/2024. Như vậy, HPX đã đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng.
Trước đó, HPX cũng công bố đã thực hiện trả lãi kỳ 4 của lô trái phiếu mã HPXH2124009 với số tiền hơn 14,3 tỷ đồng.
Trái phiếu HPXH2124009 được phát hành ngày 25/11/2021 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10%/năm và tài sản đảm bảo là cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của bên thứ ba.
Trong nửa đầu năm 2023, Hải Phát phát sinh chậm trả lãi 3 trái phiếu gồm trái phiếu HPXH2123011 (mệnh giá 450 tỷ đồng), trái phiếu HPX122018 (mệnh giá 300 tỷ đồng) và trái phiếu HPXH2125007 (mệnh giá 500 tỷ đồng).
Ngoài ra, hồi tháng 10/2023, HPX đã có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc gia hạn thêm một năm đối với trái phiếu mã HPXH2123008, tổng giá trị phát hành là 250 tỷ đồng. Ngày đáo hạn mã trái phiếu này dự kiến kéo dài đến ngày 28/10/2024.
Xét về hoạt động kinh doanh, lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2023, HPX đạt 1.197 tỷ đồng doanh thu, giảm 8,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 61,5 tỷ đồng, giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo kế hoạch, năm 2023, HPX đặt mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu 120 tỷ đồng và không trả cổ tức.
Trên thị trường, cổ phiếu HPX dao động quanh mức hơn 5.200 đồng/cp. Với mức giá này, cổ phiếu HPX đã giảm 4 lần so với mức 20.000 đồng/cp hồi tháng 11/2022.
Với hơn 304 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của HPX đã giảm gần 4.500 tỷ đồng trong vòng hơn một năm.
Kết phiên giao dịch ngày 9/1, cổ phiếu HPX đạt 5.460 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* FLC: Theo quyết định ngày 29/12/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ thi hành quyết định cưỡng chế hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với CTCP Tập đoàn FLC. Tổng số tiền cưỡng chế xấp xỉ 90 tỷ đồng.
* TCR: CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera quyết định bán toàn bộ 51% vốn tại Công ty TNHH Phát triển Taicera cho Saxon International Co Ltd - công ty con chuyên kinh doanh bất động sản.
* APF: CTCP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/1, ngày chi trả dự kiến 23/2/2024.
* S4A: Năm 2023, CTCP Thủy điện Sê San 4A đạt 286 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 7%; lãi sau thuế 137 tỷ đồng, giảm 21%. So với kế hoạch thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, S4A gần hoàn thành chỉ tiêu doanh thu với 97% và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
* LGM: Cơ cấu cổ đông tại CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu có biến động với việc bà Bùi Thị Thủy Chung trở thành cổ đông lớn sau khi mua gần 1,1 triệu cổ phiếu, ngược lại Giditex rời đi sau khi bán toàn bộ gần 1,9 triệu cổ phiếu.
* PPC: CTCP Nhiệt điện Phả Lại công bố sẽ chi hơn 601 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 với tỷ lệ 18,75%. Ngày đăng ký cuối cùng là 22/1/2024, thời gian trả dự kiến 28/6/2024.
* MH3: CTCP Khu Công nghiệp Cao su Bình Long công bố sắp chi 16,8 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 với tỷ lệ 7%. Ngày đăng ký cuối cùng 30/1/2024, ngày thực hiện chi trả 10/4/2024.
* CLC: CTCP Cát Lợi thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tỷ lệ 15%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/1/2023, thời gian thực hiện dự kiến vào 28/2/2024.
* CII: Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đăng ký bán 100.000 cổ phiếu CII theo phương thức khớp lệnh. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 12/1-7/2.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 9/1, VN-Index giảm 1,6 điểm (-0,14%) xuống 1.158,59 điểm, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,35%) xuống 232,5 điểm, UpCOM-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%), xuống 87,72 điểm.
Theo Công ty Chứng khoán SHS, xu hướng vận động tích cực của VN-Index vẫn đang duy trì sau khi vượt vùng kháng cự 1.150 điểm. Tuy nhiên, có khả năng thị trường sẽ có rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ này.
Về trung hạn, thị trường vẫn hình thành khu vực cân bằng để tích lũy lại với biến động trong biên độ chặt chẽ dần, có thể kỳ vọng vùng tích lũy cao hơn 1.150-1.250 điểm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thị trường có thể sẽ sớm quay trở lại đà tăng và VN-Index có thể sẽ tăng về mức kháng cự 1.165 điểm. Đồng thời, nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc và thị trường sớm quay trở lại đà tăng, hướng về mức 1.185 điểm trong vài phiên tới.