NHNN vừa ban hành Công văn về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng.
Vụ khách hàng được cho là nợ 8,5 triệu đồng thẻ tín dụng của ngân hàng Eximbank (EIB), bị tính nợ lên đến hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Sự việc khiến Eximbank trở thành vụ khủng hoảng truyền thông lớn thứ 2 từ năm 2023 đến nay của ngành ngân hàng, chỉ sau SCB.
Làn sóng người dùng bức xúc, chỉ trích và làn sóng người dùng rủ nhau hủy thẻ của Eximbank ngày càng tăng.
Phía khách hàng phải mời luật sư vào cuộc, yêu cầu buổi gặp với đại diện ngân hàng; phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng, yêu cầu lãnh đạo Eximbank có câu trả lời và báo cáo sự việc.
Để vụ việc "đi quá xa", ngày 21/3 vừa qua tại buổi họp báo kinh tế của TP HCM, phía đại diện Eximbank mới lên tiếng, "đổ" do nhân viên quá máy móc, và khẳng định ngân hàng không thu số tiền 8,8 tỷ đồng. Cơ chế thu tiền bao nhiêu, sự việc diễn biến thế nào vẫn chưa có hồi kết.
Ảnh minh hoạ |
Sau vụ Eximbank, để tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong quá trình phát hành, sử dụng thẻ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Công văn 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng.
- Rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành; đồng thời chỉ đạo, quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện đúng trình tự, thủ tục phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng theo đúng quy định pháp luật khi thực hiện phát hành thẻ cho khách hàng.
- Rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NHNN và pháp luật liên quan; đồng thời phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.
- Rà soát toàn bộ quy trình xử lý tra soát, khiếu nại theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp phát sinh khiếu nại, phản ánh của khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, tổ chức phát hành thẻ xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và dứt điểm, không để vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như hình ảnh và uy tín của tổ chức phát hành thẻ.
Ngân hàng Nhà nước |
- Trường hợp phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài) thông qua quá trình kiểm soát, giám sát, tổ chức phát hành thẻ cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.
- Yêu cầu ngân hàng thực hiện các biện pháp truyền thông tới khách hàng (qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông mà khách hàng dễ dàng tiếp cận) về quyền và trách nhiệm của khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng; khuyến cáo khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.