Bất động sản

Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67,3 tỷ USD : Hòa Phát khẳng định 'hoàn toàn nằm trong khả năng', Đèo Cả kiến nghị 'ưu tiên doanh nghiệp Việt'

Khuê Vân 12/10/2024 10:39

Hai ông chủ của hai doanh nghiệp lớn đều bày tỏ khao khát được thực hiện dự án này.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có độ dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 67,3 tỷ USD. Hiện nay, Trung ương Đảng cũng đã cho chủ trương đầu tư dự án với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827ha.

Duong-Sat-Cao-Toc
Đường sắt cao tốc đã được phê duyệt với vận tốc thiết kế 350km/h. Ảnh AI

Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản 1316/2024/DCG kiến nghị một số giải pháp cụ thể trong việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trên.

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị việc tổ chức thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam cần tách thành hai hợp phần:

Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua. Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài.

Đèo Cả cũng bày tỏ mong muốn đối với các dự án quy mô lớn Chính phủ ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị. Bên cạnh đó, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.

>> Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc kết nối trực tiếp với cảng Cái Mép, sân bay Long Thành tăng vốn thêm 5.400 tỷ đồng

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: “Đề xuất Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…”

Trước đó, vào cuối tháng 9/2024, tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng ngỏ ý muốn tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chủ tịch Hòa Phát khẳng định tập đoàn hoàn toàn đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất thép cho đường ray của các dự án đường sắt tốc độ cao.

“Từ hai ba năm nay chúng tôi đã nghiên cứu dòng sản phẩm này. Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát. Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”, ông Trần Đình Long phát biểu trong Hội nghị của Thường trực Chính phủ.

Hòa Phát sẽ chủ động tham gia vào các dự án liên quan đến đường sắt và công nghiệp đường sắt của Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một kế hoạch tổng thể, hành lang pháp lý rõ ràng và thiết kế ban đầu để xác định vai trò cụ thể của từng lĩnh vực như thép, bất động sản và chế tạo.

>> TP. HCM xây dựng điểm check-in mới toanh tại cây cầu biểu tượng lịch sử 135 năm tuổi

Đường sắt đô thị: Thiếu dịch vụ thiết yếu tại các nhà ga

Tàu chở 140 khách trật bánh khỏi đường ray, 3 toa bị lật, lao xuống bờ kè: Phong tỏa tuyến đường sắt, huy động cơ quan y tế khẩn cấp, quân đội, trực thăng cứu hộ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/sieu-du-an-673-ty-usd-duong-sat-cao-toc-bac--nam-hoa-phat-khang-dinh-hoan-toan-nam-trong-kha-nang-deo-ca-kien-nghi-uu-tien-doanh-nghiep-viet-d136018.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67,3 tỷ USD : Hòa Phát khẳng định 'hoàn toàn nằm trong khả năng', Đèo Cả kiến nghị 'ưu tiên doanh nghiệp Việt'
POWERED BY ONECMS & INTECH