Siêu dự án đường sắt cao tốc hơn 67 tỷ USD sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được bao nhiêu tiền?
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án quan trọng không chỉ đối với hạ tầng giao thông mà còn đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Những tuyến đường sắt "khoác áo mới" cho nhiều quốc gia
Sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao đã mang đến diện mạo mới cho nhiều quốc gia trên thế giới. Một ví dụ tiêu biểu là Nhật Bản - quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Tokyo và thành phố Osaka, được khánh thành năm 1964 với độ dài 515km.
Tuyến đường sắt này được xây dựng bằng nguồn vốn Chính phủ và có khoảng 10% vốn xây dựng cơ bản vay từ Ngân hàng thế giới (WB). Đây là tuyến đường sắt có tốc độ cao nhất trên thế giới tại thời điểm đó, được hoàn toàn xây dựng bằng công nghệ và kỹ thuật trong nước. Đây cũng chính là biểu tượng cho sự phục hồi của Nhật Bản sau Thế chiến thứ II; đồng thời đã thay đổi hoàn toàn ngành đường sắt trên toàn thế giới.
Tuyến tàu này đã thay đổi nền kinh tế của Nhật Bản khi sự hiện diện của tàu cao tốc Shinkansen tại nhiều địa phương đã mang lại những tác động tích cực đến nền kinh tế của địa phương nói riêng và đất nước này nói chung. Chỉ sau gần 2 năm tuyến tàu này hoạt động, tại tỉnh Kagoshima ở phía Nam Nhật Bản, số thu thuế đã tăng thêm 460 triệu USD, số lượng khách du lịch tăng liên tục 20%/năm.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản đã giúp điều kiện đi lại thuận tiện hơn, từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm đến những vùng đất xa hơn để phát triển hoặc khách du lịch sẽ tham quan những địa điểm mới lạ, độc đáo hơn.
Ở Trung Quốc, phải mất tới tới 3 thập kỷ kể từ chuyến đi của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tới thăm Nhật Bản, tuyến đường sắt đầu tiên của quốc gia này với vận tốc 350km/h mới được khánh thành vào năm 2008. Kể từ đó, đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, vươn lên thành quốc gia sở hữu hệ thống đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới.
Theo thống kê năm 2023, hệ thống đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc đã lớn hơn tổng chiều dài đường ray đường sắt tốc độ cao của thế giới với năng lực vận hành khoảng 368 tỷ lượt người/năm.
Hoặc mạng lưới đường sắt cao tốc ở Tây Ban Nha, với tốc độ thương mại trung bình 222 km/giờ, vượt xa các quốc gia tiên phong như Nhật Bản và Pháp. Tốc độ tàu đã tăng 160% từ cuối những năm 80, đặc biệt tuyến đường Barcelona - Madrid đã rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 2 giờ 30 phút, một thành tích được coi là không tưởng trong quá khứ.
Tuyến đường sắt này không chỉ giúp Tây Ban Nha mang lại lợi ích môi trường mà còn tạo ra những khoản tiết kiệm tài chính đáng kể. Trong giai đoạn từ 1992 đến 2016, hệ thống này đã giúp đất nước tiết kiệm được 4,286 tỷ euro. Hơn nữa, trong suốt 25 năm đầu tiên, hệ thống đã góp phần hạn chế phát thải 12,9 triệu tấn khí CO2 và tiết kiệm 2,6 triệu tấn dầu.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam mỗi năm
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có độ dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.
Đây là một khoản đầu tư công lớn; đồng thời cũng tạo ra nhu cầu lớn về khai thác nguyên liệu và sản xuất, mang đến nhiều việc làm cho người lao động trong thời gian dài.
Theo nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), dự án này sẽ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của hành khách với giá trị khoảng 2 tỷ USD; đồng thời, giảm đáng kể chi phí đi lại của xã hội, ước tính khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050.
Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến trong quá trình xây dựng sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm.
Hơn thế nữa, mạng lưới đường sắt tốc độ cao khi hoàn thành sẽ thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Việc sử dụng đường sắt tốc độ cao để di chuyển sẽ giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ôi nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng khí thải carbon. Đặc biệt, lựa chọn sử dụng đường sắt tốc độ cao thay vì ô tô, xe máy còn giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên đường bộ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án cần thiết, đóng vai trò quan trọng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nhu cầu di chuyển của người dân trên trục Bắc Nam rất lớn. Tuy nhiên, hàng không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu bay đường dài, đồng thời, Việt Nam cũng thiếu những phương tiện song hành cùng đường bộ trên trục Bắc - Nam.
Hiện nay, phần lớn khối lượng xây lắp hạ tầng cho đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã có thể đảm nhận. Tuy nhiên, năng lực sản xuất đầu máy toa xe cần học tập và cải thiện để đáp ứng những yêu cầu cao hơn của dự án đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, vấn đề pháp luật cũng cần được quan tâm bởi việc xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ sẽ không dễ dàng nếu chỉ áp dụng hệ thống pháp luật hiện nay. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi, tham khảo các nước trên thế giới đã có đường sắt tốc độ cao để hoàn thiện tốt nhất dự án này.
>>Siêu dự án hơn 67 tỷ USD của Việt Nam: Một mũi tên trúng nhiều đích