Siêu dự án hơn 67 tỷ USD của Việt Nam: Một mũi tên trúng nhiều đích
Chính phủ đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ 350km/h với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.
Đây là một dự án quan trọng được nghiên cứu trong gần hai thập kỷ qua, đóng vai trò là bước ngoặt không chỉ cho hệ thống giao thông mà còn cho cả nền kinh tế của Việt Nam.
Cả tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình 67km và 5 ga hàng với các đầu mối hàng hóa. Điểm khởi đầu của toàn tuyến là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Đường sắt tốc độ cao đã khoác áo mới cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu biểu như Nhật Bản, sự hiện diện của tàu tốc độ cao Shinkansen cũng như nhiều nhà ga và khu đô thị tại nhiều địa phương đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước này. Đặc biệt, tại tỉnh Kagoshima ở phía Nam Nhật Bản, số thu thuế đã tăng thêm 460 triệu USD, số lượng khách du lịch tăng liên tục 20%/năm chỉ sau gần 2 năm sau khi tuyến tàu này được hình thành.
Tiến gần hơn, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên sở hữu tuyến đường sắt tốc độ cao với tổng chiều dài 142km, tổng vốn đầu tư đạt 7,3 tỷ USD. Tuyến đường sắt này với tốc độ tối đa đạt 350km/h nối từ Thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung (Tây Java) đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển của người dân. Thay vì mất hàng tiếng đồng hồ, khi có tuyến đường sắt tốc độ cao người dân chỉ mất khoảng 40 phút để đi từ Jakarta đến Bandung.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, ông Erick Thohir cho biết từ năm 2019 đến 2023, tuyến đường sắt này đóng góp 86,5 nghìn tỷ rupiah (khoảng 5,34 tỷ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) của Jakarta và Tây Java.
Tại Việt Nam, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ Hà Nội - TP.HCM chỉ mất khoảng 5 giờ 30 phút, Hà Nội - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) mất 4,3 giờ,... tiết kiệm đáng kể thời gian cho người dân. Đặc biệt, tại một số chặng ngắn, tuyến đường sắt này còn nhanh hơn máy bay nếu tính cả thời gian chờ đợi.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), đường sắt tốc độ cao sẽ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của hành khách với giá trị khoảng 2 tỷ USD; đồng thời, giảm đáng kể chi phí đi lại của xã hội, ước tính khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050.
Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến trong quá trình xây dựng sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm % vào tăng trưởng GDP mỗi năm. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD (Transit-Oriented Development) dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD, chưa tính doanh thu bán vé.
Trên mặt trận vận tải hàng hóa, đường sắt cao tốc hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá đáng kể. Nhờ khả năng vận chuyển nhanh, phương tiện này sẽ khiến cho quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng được cải thiện đáng kể, chi phí vận hành giảm xuống, qua đó tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu của các sản phẩm Việt Nam.
Cùng với đó, hệ thống đường sắt cao tốc còn sẽ trở thành cầu nối vững chắc, đưa Việt Nam tiến sâu vào làn sóng hội nhập và hợp tác khu vực. Tuyến đường sắt tốc độ cao với những tính năng ưu việt, hứa hẹn sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, logistics giữa Việt Nam và các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc.
Hơn thế nữa, mạng lưới đường sắt tốc độ cao sẽ thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Việc sử dụng đường sắt tốc độ cao để di chuyển sẽ giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ôi nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng khí thải carbon. Đặc biệt, lựa chọn sử dụng đường sắt tốc độ cao thay vì ô tô, xe máy còn giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên đường bộ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Lộ diện 20 tỉnh thành mà siêu dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD đi qua, có tỉnh được bố trí 2 nhà ga