Trường hợp xấu nhất, "hàng chục nghìn người" sẽ không được trả tiền vào tuần tới.
Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chính thức dừng hoạt động, đánh dấu sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ, kể từ năm 2008.
Theo CNBC, giới chức California đã đóng cửa SVB và giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.
Đáng chú ý, SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD - đã sụp đổ chỉ trong chưa đến 48 giờ. Đồng thời, sự sụp đổ của SVB đã dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Cổ phiểu của các ngân hàng đồng loạt lao dốc
Sau khi SVB chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc, Silvergate Capital - một ngân hàng tập trung vào thị trường tiền điện tử cũng thông báo đóng cửa vào ngày thứ Năm (9/3). Cuộc khủng hoảng tại 2 nhà băng làm dấy lên lo ngại hiệu ứng lan toả ra toàn bộ ngành ngân hàng, khiến giá cổ phiếu của các nhà băng khác cũng giảm mạnh.
4 nhà băng lớn nhất gồm JPMorgan, Bank of America, Wells Fargo và Morgan Stanley đã chứng kiến vốn hoá thị trường bốc hơi khoảng 55 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/3), theo số liệu của Refinitiv.
Chỉ số KBW Bank – theo dõi giá của các nhà băng niêm yết hàng đầu nước Mỹ giảm 7,7% trong phiên giao dịch ngày 9/3, đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất trong gần 3 năm qua.
Tới phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/3), nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hoá. Trong khi cổ phiếu của JPMorgan hồi phục nhẹ, giá cổ phiếu của First Republic Bank giảm thêm 20%.
Cản trở sự tăng trưởng kinh tế dài hạn
Ngày 10/3, FDIC đã đóng cửa SVB. Thông báo của cơ quan này cho biết: “Nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng, FDIC sẽ tạo một tài khoản bảo đảm. Vào thời điểm đóng cửa, FDIC sẽ ngay lập tức chuyển tới tài khoản đảm bảo này tất cả các khoản tiền gửi được bảo đảm tại SVB”.
Nếu Silicon Valley Bank phá sản, các khoản tiền gửi sẽ được bảo vệ bởi Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC) với giới hạn là 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi. FDIC cho biết, các khách hàng có thể rút khoản tiền 250.000 USD từ quỹ do chính phủ bảo hộ vào ngày thứ Hai (13/3/2023).
Tuy nhiên, do SVB chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp ngành công nghệ, nên đa phần khách hàng có khoản tiền gửi lớn hơn nhiều so với con số này tại nhà băng.
Bill Ackman - tỷ phú đầu tư nổi tiếng trước đó đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ thực hiện cứu trợ với SVB bởi nhà băng này có vị thế đặc biệt đối với thị trường vốn đầu tư mạo hiểm.
“Sự sụp đổ của SVB Financial có thể phá huỷ thị trường vốn đầu tư mạo hiểm – lĩnh vực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Bởi nhiều công ty có vốn mạo hiểm đầu tư đang phụ thuộc vào các khoản vay tại SVB, cũng như gửi tiền mặt phục vụ hoạt động tại nhà băng này”, Bill Ackman chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
“Nếu các thành phần tư nhân không thể đưa ra giải pháp, biện pháp cứu trợ từ chính phủ nên được cân nhắc”.
Loạt founder tuyệt vọng đi đòi tiền gửi, hàng chục nghìn lao động chậm lương
Tờ Bloomberg đưa tin, các nhà sáng lập startup bắt đầu lo lắng về việc liệu họ có thể tiếp tục trả lương cho nhân viên sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) hay không.
Nhà cung cấp dịch vụ tính lương Ripple đã thông báo cho khách hàng vào thứ sáu rằng một số quá trình xử lý đã bị đình trệ bởi SVB vốn là đơn vị giúp xử lý các khoản thanh toán của họ. Bản thân công ty này cũng là một startup và họ đã chuyển sang sử dụng dịch vụ của JPMorgan Chase nhưng không đủ sớm.
Người sáng lập startup Brad Hargreaves cho biết một số công ty có thể không trả lương vào tuần tới. Và do hội đồng quản trị cực kỳ nhạy cảm với việc tuyển dụng những nhân viên mà họ không thể trả lương nên “có thể việc sa thải hàng loạt sẽ diễn ra vào cuối ngày hôm nay, chậm nhất là thứ hai”.
Sarika Bajaj, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu Refiberd, cho biết cô đã là khách hàng của SVB trong ba năm và gửi phần lớn tiền của công ty ở đó. Bajaj đã có mặt tại chi nhánh SVB trên đường Sand Hill ở California vào thứ sáu. Cô cố gắng rút tiền nhưng không được và ngày càng lo lắng về tiền lương cho bản thân và hai thành viên trong nhóm.
“Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều khách hàng của SVB có rất nhiều nhân viên”, cô nói. “Công ty tôi không thế nhưng tôi biết đó sẽ là thực tế của rất nhiều người”.
Greg Martin, đối tác sáng lập của công ty đầu tư Liquid Stock cho biết hơn một nửa số công ty công nghệ “giữ phần lớn tiền mặt của họ tại SVB. Tất cả họ cần phải trả lương vào đầu tuần tới”.
Martin cho biết ông tin rằng tình hình của ngân hàng không quá tồi tệ như mọi người nghĩ. Nhưng trường hợp xấu nhất, ông nói, “hàng chục nghìn người” sẽ không được trả tiền vào tuần tới.
Một số nhà đầu tư mạo hiểm chạy đua để hỗ trợ thành lập các quỹ tiền mặt tạm thời để giúp các công ty khởi nghiệp bị ảnh hưởng trả lương vào tuần tới. Spark Capital vào thứ sáu đã chỉ đạo các công ty trong danh mục đầu tư cần viện trợ cho Liquidity Capital MC Ltd., công ty cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp và đăng trên LinkedIn rằng họ sẽ cung cấp vốn cho những công ty bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của SVB.
Giám đốc điều hành của một số công ty có tiền bị mắc kẹt tại SVB đang lên kế hoạch sử dụng tài sản cá nhân của họ để trả lương cho nhân viên trong bối cảnh tiền lương bị hạn chế do ảnh hưởng của SVB.
Không phải vàng và chứng khoán, đây mới là kênh đầu tư tốt nhất nửa đầu năm 2023
Lỗ 100 tỷ USD vì trái phiếu, Bank of America bị các ngân hàng đối thủ bỏ xa