Câu chuyện đầu tư

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?

Thu Huyền 21/01/2025 07:31

Thị trường taxi tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn biến chuyển chưa từng có, khi sự xuất hiện của xe điện và Xanh SM đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Trong cuộc chiến giành thị phần, nhiều hãng taxi truyền thống đã quyết định chuyển đổi sang xe điện VinFast.

Miếng bánh thị phần taxi trước khi Xanh SM và xe điện xuất hiện

Trước khi Xanh SM ra mắt, thị trường taxi Việt Nam là một "bức tranh" quen thuộc với sự thống trị của các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh và hàng loạt doanh nghiệp địa phương. Những hãng này từng là lựa chọn số một của khách hàng tại các thành phố lớn nhờ mạng lưới rộng khắp và sự tiện lợi. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, sự bùng nổ của các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Be và Gojek đã làm lung lay vị thế của các hãng taxi truyền thống.

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
Các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam thống trị thị trường trước năm 2014 (Ảnh minh họa)

Các ứng dụng công nghệ không chỉ mang lại sự tiện lợi vượt trội mà còn áp dụng giá cước cạnh tranh, chương trình khuyến mãi hấp dẫn, khiến người tiêu dùng dần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ. Nhiều hãng taxi truyền thống dù cố gắng cải thiện dịch vụ và áp dụng công nghệ vẫn khó cạnh tranh với các nền tảng công nghệ lớn. Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng cao cùng các chi phí vận hành khiến nhiều hãng taxi phải vật lộn để duy trì hoạt động, thậm chí thu hẹp quy mô tại một số địa phương.

Trước sức ép ngày càng lớn, các hãng taxi truyền thống đã phải bắt tay nhau, cùng áp dụng công nghệ để lấy lại khách hàng bằng việc ra mắt ứng dụng gọi xe tương tự Uber, Grab. Điển hình vào ngày 10/12/2018, Liên minh taxi Việt chính thức ra mắt tại Hà Nội và kết hợp vận hành qua ứng dụng EMMDI trên toàn quốc.

Xanh SM xuất hiện và định hình lại ngành taxi ở Việt Nam

“Hắc mã” trong cuộc chiến giành thị phần

Tháng 4/2023 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành taxi Việt Nam khi Xanh SM - hãng taxi điện thuộc Vingroup chính thức ra mắt. Với đội xe điện VinFast, Xanh SM không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển thân thiện môi trường mà còn nhanh chóng xây dựng hình ảnh hiện đại, chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh.

Ngay từ khi xuất hiện, Xanh SM đã định vị mình là người dẫn đầu trong cuộc đua xanh hóa. Với hệ sinh thái rộng lớn của Vingroup, hãng triển khai nhanh chóng các trạm sạc trên toàn quốc, đảm bảo sự tiện lợi cho cả tài xế và khách hàng. Những nỗ lực này đã giúp Xanh SM chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Tốc độ tăng trưởng của Xanh SM được xem là vô tiền khoáng hậu. Đến quý IV/2023, tức chỉ sau hơn nửa năm trình làng, từ con số 0, tân binh này đã chiếm gần 20% thị phần, đứng thứ 2 thị trường và gấp đôi công ty đứng kế tiếp ở mảng taxi, theo Mordor Intelligence.

“Tốc độ này của Xanh SM được ví như TikTok Shop trong lĩnh vực gọi xe công nghệ”, báo cáo độc lập của Mordor Intelligence nhận định.

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
Xanh SM chỉ cần nửa năm để chiếm lĩnh 20% thị phần ngành taxi (Nguồn: Mordor Intelligence)

Tới nay, thị trường chỉ còn duy trì 3 thương hiệu lớn là Grab, Be và Xanh SM. Theo báo cáo “The Connected Consumer quý II/2024” của Decision Lab, Grab vẫn dẫn đầu lượng người dùng tại Việt Nam ở tất cả các độ tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Xanh SM nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 ngay sau Grab dù “sinh sau đẻ muộn”.

Báo cáo mới đây của Q&Me cũng cho biết Xanh SM đã vượt qua Grab, trở thành thương hiệu dẫn đầu về mức độ hài lòng của khách hàng tại Việt Nam. Cụ thể, 83% người dùng hài lòng với dịch vụ ô tô điện của Xanh SM, vượt Grab (80%) và Be (68%). Tỷ lệ khách hàng sẵn sàng giới thiệu dịch vụ Xanh SM đạt mức cao nhất với 84% cho taxi điện và 77% cho xe máy điện. Đồng thời, thương hiệu gọi xe này cũng dẫn đầu về mức chi tiêu trung bình hàng tháng của khách hàng, cao hơn Grab và Be lần lượt 14,8% và 23,5%.

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
Nguồn: Q&Me

Định hình lại ngành taxi Việt Nam

Ngày 30/9/2024, Chủ Tịch tập đoàn Vingroup ông Phạm Nhật Vượng và các lãnh đạo VinFast đã có buổi gặp gỡ 70 doanh nhân đại diện cho 50 hãng quy tụ về Hà Nội. Lắng nghe những ý kiến của các hãng vận tải trong buổi gặp,tỷ phú Phạm Nhật Vượng bày tỏ mong muốn đồng hành và là đối tác của các doanh nghiệp để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung.

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gặp mặt 50 doanh nhân vận tải (Ảnh: VietnamNet)

Vị tỷ phú nhấn mạnh 2 mục tiêu lớn: “Một là xây dựng tương lai cho con em chúng ta, để các thế hệ sau có môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn. Hai là có một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế. VinFast có thể là thương hiệu đầu tiên nhưng từ sự truyền cảm hứng đó, chúng ta sẽ có hàng chục, hàng trăm thương hiệu khác. Đó cũng sẽ là niềm tự hào, là tương lai của con em chúng ta”.

Thông tin từ cuộc gặp, nhiều lãnh đạo các hãng taxi đã chia sẻ đã sẵn sàng hủy cọc các hợp đồng mua xe ô tô chạy xăng để chuyển sang mua xe điện VinFast. Theo chia sẻ của ông Hồ Chương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Sơn Nam đây là quyết định không dễ dàng thời điểm đó nhưng ông tính toán, một chiếc Toyota Vios vận hành trong thành phố tiêu hao tới 1.750 đồng/km. Trong khi đó, với xe điện VinFast, chi phí trung bình chỉ khoảng 600 đồng/km, đồng nghĩa, chỉ riêng chi phí năng lượng, xe điện đã tiết kiệm hơn xe xăng tới 60%.

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
Nhiều hãng taxi thuê và mua xe điện VinFast trong năm 2024 (Nguồn: Tổng hợp)

Đáng chú ý, Mai Linh, một trong những hãng taxi lớn nhất Việt Nam đã tham gia "cuộc chơi" này khi ký kết hợp đồng mua xe điện VinFast để triển khai dịch vụ taxi điện tại các thành phố lớn.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức vào cuối tháng 4/2024, khi trả lời về định hướng kinh doanh trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh đã thể hiện rõ quan điểm chưa đầu tư vào xe điện do mối e ngại về cơ sở hạ tầng chưa phù hợp và tối ưu cho xe điện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vướng mắc này đã được tháo gỡ khi, vào ngày 4/9/2024, Công ty V-Green do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đã đưa ra lời giải với mô hình "Trạm sạc nhượng quyền". Cùng với đó là cam kết mạnh mẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng để quy hoạch 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước trong vòng 2 năm.

2 ông lớn bên kia chiến tuyến sau năm 2024: Vinasun kiên quyết với dòng Hybrid, Grab hợp tác với xe điện Trung Quốc

Trước sức ép từ làn sóng xe điện, Vinasun - hãng taxi từng thống trị thị trường phía Nam đã lên kế hoạch đổi mới dàn xe theo hướng sử dụng xe hybrid (xăng lai điện) để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong 9 tháng năm 2024, Vinasun đã đầu tư thêm 148 tỷ đồng vào đội xe, đạt 22% mục tiêu trang bị 700 xe Toyota hybrid trong năm 2024. Để mở rộng quy mô, hãng cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Toyota Việt Nam vào tháng 6/2024, đặt mục tiêu đầu tư thêm 2.000 xe hybrid vào năm 2025.

Về phần Grab, đơn vị này mới đây đã công bố kế hoạch hợp tác với BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc nhằm cung cấp cho tài xế Grab quyền mua 50.000 xe điện BYD với mức giá ưu đãi. Quan hệ hợp tác này trải dài tại các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo đó, tài xế Grab sẽ được tùy chọn mua xe điện với giá ưu đãi, thuê xe từ các đội xe Grab hoặc nhận hỗ trợ tài chính thông qua chương trình sở hữu ô tô của ứng dụng.

Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
Grab công bố kế hoạch hợp tác với BYD (Ảnh: Báo đầu tư)

Grab kỳ vọng rằng động thái này sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, giúp tài xế tiết kiệm chi phí nhiên liệu và tăng thêm lợi ích kinh tế. Đây cũng là bước đi quan trọng để Grab củng cố vị thế tại khu vực và giành lại thị phần từ Xanh SM.

Ngành taxi Việt Nam sau năm 2024 đang bước vào một cuộc đua gay cấn, nơi mà xe điện trở thành xu hướng tất yếu. Sự xuất hiện của Xanh SM không chỉ thay đổi cục diện thị trường mà còn tạo áp lực lớn lên toàn bộ ngành taxi truyền thống. Những hãng tiên phong chuyển đổi sang xe điện như Mai Linh đang tận dụng tốt cơ hội để mở rộng thị phần, trong khi những hãng chưa chuyển đổi sẽ cần tìm cách thích nghi nếu muốn tiếp tục tồn tại.

>> Hiệu ứng bên lề từ Nghị định 168 về bia rượu và cơ hội vàng cho VinFast

VinFast tung ‘át chủ bài’ mới vào ngày mai (18/1), tiềm năng thay đổi cục diện thị trường ô tô Việt Nam

Hãng xe 8 tỷ USD sắp vào Việt Nam bằng chiến lược 'phá giá': Xanh SM và Be tăng cường liên minh để giữ thị phần?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/taxi-truyen-thong-doi-chien-tuyen-sang-xe-dien-vinfast-nhung-doi-thu-con-lai-cua-xanh-sm-ung-pho-ra-sao-272357.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Taxi truyền thống đổi chiến tuyến sang xe điện VinFast, những đối thủ còn lại của Xanh SM ứng phó ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH