‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam sẽ sở hữu 9 tuyến đường sắt đô thị, kết nối đến cả siêu sân bay lớn nhất cả nước
Thành phố này sẽ được quy hoạch hạ tầng giao thông, mở ra nhiều không gian mới như phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị đô thị và liên vùng.
Ngày 6/2, TP. Thủ Đức (TP. HCM) đã tổ chức hội nghị công bố đồ án quy hoạch chung đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư.
Theo đồ án, TP. Thủ Đức được định hướng trở thành đô thị loại I trực thuộc TP. HCM, đóng vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, kết nối đa dạng qua đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hóa và giáo dục đào tạo ở phía Đông TP. HCM.
Không gian TP. Thủ Đức được quy hoạch thành 9 phân vùng, tương ứng với 11 trọng điểm phát triển, mỗi phân vùng gắn liền với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng riêng.
Về hạ tầng giao thông, thành phố sẽ mở rộng và phát triển hệ thống giao thông liên vùng với 9 tuyến đường sắt đô thị, kết nối TP. Thủ Đức với các khu vực khác của TP. HCM và sân bay quốc tế Long Thành - sân bay lớn nhất Việt Nam, dự kiến đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại. Đô thị được phát triển theo mô hình gắn kết với giao thông công cộng (TOD), đồng thời xây dựng nhiều tuyến đường chiến lược như tuyến đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - nút giao Vành đai 3 - cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường kết nối Vành đai 2 vào cao tốc TP. HCM - Chơn Thành.
>> Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam khởi công dự án cầu đường tại cửa ngõ phát triển kinh tế khu Đông
Về không gian đô thị, thành phố sẽ lấy hệ thống cây xanh và mặt nước làm trung tâm quy hoạch, tổ chức các trục sông, kênh, rạch như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu... Các dòng chảy này sẽ được kết nối với hệ thống công viên cây xanh công cộng, vừa tạo nên cấu trúc không gian đô thị đặc sắc vừa đóng vai trò quan trọng trong việc dự trữ và thoát nước.
Thành phố cũng sẽ mở rộng đáng kể quỹ đất cho các công trình dịch vụ công cộng. Cụ thể, diện tích đất dành cho giáo dục cấp đô thị sẽ tăng gần 5 lần, đất cho các cơ sở y tế cấp đô thị tăng hơn 10 lần, và đất cho các công trình văn hóa, thể dục thể thao cấp đô thị tăng khoảng 3 lần. Trong đó, đáng chú ý là khu Liên hợp thể thao quốc gia tại khu vực Rạch Chiếc. Bên cạnh đó, diện tích công viên cây xanh toàn thành phố dự kiến sẽ đạt 1.800ha, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
TP. Thủ Đức được thành lập vào năm 2020 theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (TP. HCM). Thủ Đức cũng là thành phố đầu tiên thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
>> ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của Việt Nam sẽ phân chia rạch ròi thành 9 phân vùng
Diễn biến mới nhất về dự án đường sắt đô thị gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội
Bộ Giao thông vận tải đề xuất 5 chính sách thu hút vốn phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP. HCM