Diễn biến mới nhất về dự án đường sắt đô thị gần 35.000 tỷ đồng tại Hà Nội
Dự kiến, đoạn tuyến ngầm sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Theo báo Dân trí, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà thầu đã khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) thứ hai mang tên "Táo bạo" trên đoạn ngầm của tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Máy đào TBM được hãng Herrenkecht (Đức) thiết kế riêng cho dự án metro Nhổn – ga Hà Nội. Máy có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn, với đội ngũ thi công gồm hơn 150 nhân sự.
Trước đó, từ ngày 30/7/2024, máy đào TBM đầu tiên mang tên "Thần tốc" đã được đưa vào vận hành và đến nay đã khoan được gần 1.000m hầm. Tương tự như "Thần tốc", máy đào "Táo bạo" bắt đầu khoan từ ga S9 (Kim Mã) tại độ sâu gần 18m và sẽ đạt tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10m/ngày để tiếp cận các ga tiếp theo.
Theo kế hoạch, thời gian thi công hai máy TBM sẽ kéo dài trong 16 tháng. Sau khi hoàn thành đoạn hầm tại ga S12, các máy sẽ được tháo dỡ và hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ được đưa về ga S9 để tháo dỡ tiếp tục.
>> Viettel Post muốn làm 2 nhà ga hàng hóa tại sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết việc khởi công máy đào TBM thứ hai là cột mốc quan trọng đối với dự án. Trong quá trình vận hành máy TBM số 1, đơn vị thi công gặp không ít khó khăn do điều kiện địa chất phức tạp. Tuy nhiên, nhà thầu đã thu thập dữ liệu địa chất đầy đủ để căn chỉnh và vận hành máy TBM số 2 hiệu quả, trơn tru hơn.
Ông Park Young III, đại diện nhà thầu, cho biết dự án đã triển khai hệ thống quan trắc địa kỹ thuật để theo dõi sát sao tình trạng dịch chuyển, sụt lún của mặt đất. Các hoạt động khoan hầm được thực hiện cẩn trọng và giám sát nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình hiện hữu.
Dự kiến, đoạn tuyến ngầm sẽ hoàn thành vào năm 2027, sau đó toàn bộ tuyến metro số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) sẽ được đưa vào khai thác.
Theo Tạp chí Tài chính, dự án tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km, với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Đoạn đi trên cao (Nhổn – Cầu Giấy) dài 8,5km, trong khi đoạn đi ngầm (Cầu Giấy – ga Hà Nội) dài 4km.
>> Bộ GTVT sẽ khởi công 19 dự án và hoàn thành 50 dự án trong năm 2025
Bộ Giao thông vận tải đề xuất 5 chính sách thu hút vốn phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP. HCM
Thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035