First Republic Bank vừa trở thành ngân hàng thứ 3 sụp đổ tại Mỹ trong năm nay. Các nhà quản lý đã tiếp quản quyền kiểm soát và bán ngân hàng này cho JPMorgan Chase.
Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết JPMorgan Chase sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản của First Republic Bank, bao gồm khoảng 173 tỷ USD tiền cho vay, 30 tỷ USD chứng khoán và 92 tỷ USD tiền gửi. Bên cạnh đó, FDIC cũng cho biết cơ quan này sẽ chia sẻ khoản lỗ với ngân hàng, cũng như bất kỳ khoản thu hồi nào với các khoản vay thương mai và của hộ gia đình của First Republic Bank. Dự kiến quỹ bảo hiểm của FDIC sẽ bị tổn thất khoảng 13 tỉ USD trong thương vụ này.
Ảnh minh họa |
Theo FDIC, sau khi thương vụ mua lại First Republic Bank hoàn thành, JPMorgan Chase Bank sẽ mở lại 84 chi nhánh của ngân hàng trên 8 tiểu bang với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase Bank. Đồng thời, tất cả khách hàng có tiền gửi tại First Republic Bank sẽ trở thành khách hàng của JPMorgan Chase và tập đoàn này sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ số tiền gửi của khách hàng.
JPMorgan là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tại Mỹ. Thương vụ tiếp quản First Republic Bank sẽ khiến quy mô của JPMorgan mở rộng hơn nữa. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan, cho biết rằng việc mua lại ngân hàng sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông và thúc đẩy chiến lược làm giàu của công ty. Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/5, cổ phiếu của JPMorgan Chase đã tăng 2,6% trước khi thông báo chính thức về việc thâu tóm First Republic Bank được công bố.
First Republic Bank hiện đang có khoảng 92 tỷ USD tiền gửi, trong đó có 30 tỷ USD mà JPMorgan và một số ngân hàng lớn khác đã gửi để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng này tháng trước. JPMorgan cho biết số tiền 30 tỷ USD này sẽ được hoàn trả.
Như vậy, First Republic Bank đã trở thành ngân hàng thứ ba tại Mỹ bị sụp đổ và bị một ngân hàng khác tiếp quản trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, sau Silicon Valley Bank và Signature Bank. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ngân hàng có tài sản lớn thứ hai của Mỹ sụp đổ, chỉ sau Washington Mutual - ngân hàng đã thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.
Có một loại tài sản hấp dẫn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến chứng khoán, ngân hàng
"Không phải chờ đến khi các TCTD khó khăn về thanh khoản mới vào cuộc xử lý"