Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng bia sản xuất cả nước đạt 3,41 triệu lít.
Tính đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới. Từ kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia.
Tuy nhiên kể từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường ngành này không còn nhộn nhịp như năm trước, hay tình trạng khan hàng, sốt giá mỗi dịp lễ Tết. Ngành bia đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có. Các hãng bia trong nước đều nhấn mạnh lý do là suy thoái kinh tế, người tiêu dùng đang cố gắng thắt lưng buộc bụng thì những sản phẩm không thiết yếu như bia sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Theo số liệu của tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng bia sản xuất cả nước chỉ đạt 3,41 triệu lít, chỉ tăng 0,02% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp, chỉ sau giai đoạn chịu tác động bởi dịch Covid 19.
>> Phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng bia và phản ứng của doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp đồ uống Việt Nam đang gặp khó khăn, doanh số bán bia nhìn chung giảm 10-20% trong khi giá nguyên vật liệu tăng đến 50%.
Tình hình khó khăn của thị trường bia Việt đã được chứng minh bằng kết quả kinh doanh của một số ông lớn trong ngành. Cụ thể, nhìn vào Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) có thể dễ dàng nhận thấy doanh thu đang giảm dần qua từng quý. Lũy kế 9 tháng đầu năm của chủ hãng bia Sài Gòn đã giảm 12% doanh thu và 26% lãi ròng, LNST chưa đầy 3.300 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Sabeco (đơn vị: tỷ đồng). |
>> Từng chi 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco (SAB), tỷ phú Thái được gì sau 6 năm?
Hay một ông lớn khác là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) cũng cũng ghi nhận doanh thu quý 3/2023 giảm tới 7% so với cùng kỳ, còn lãi sau thuế chưa bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 107 tỷ đồng. Suốt 9 tháng đầu năm, chủ hãng bia Hà Nội chỉ lãi vỏn vẹn 291 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Habeco (đơn vị: tỷ đồng). |
Sự cạnh tranh đang ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp ngành bia khiến các doanh nghiệp lâu năm bị đẩy vào thế khó.
Thị trường bia ngày càng chật chội hơn khi Heineken liên tục vung mình, đánh bật Sabeco để dẫn đầu thị phần trên cả nước. Heineken Việt Nam hiện có tới 6 nhà máy, sản xuất và phân phối các nhãn hiệu Heineken, Tiger, Larue, BIVINA, Bia Việt, Strongbow và Edelweiss.
Công ty có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế dẫn đầu ngành. Doanh thu thuần có sự biến động qua mỗi năm. Năm 2020 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm gần 20% năm 2021, sang 2022 tăng hơn 50%. Lợi nhuận sau thuế tương tự đạt khoảng 9.000 tỷ trong năm 2020, sang 2021 giảm gần 30% và tăng hơn 60% năm 2022.
Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên vào Việt Nam và đầu tư lần đầu vào năm 1993. Carlsberg có một nhà máy tại Việt Nam được đặt tại Huế với công suất đạt đến 360 triệu lít/năm. Các sản phẩm của Carlsberg Việt Nam: Carlsberg, 1664 Blanc, Huda.
Thương hiệu có doanh thu thuần tăng trưởng qua các năm. Năm 2020 đạt khoảng 3.000 nghìn tỷ, tăng hơn 5% năm 2021 và sang 2022 tăng gần 40%. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế có chiều hướng ngược lại. Cụ thể giảm gần 8% năm 2021 và giảm mạnh hơn 60% trong năm kế tiếp và đạt khoảng 90 tỷ.
AB Inbev thuộc sở hữu của Công ty TNHH Anheuser - Busch Inbev và đã có hơn 7 năm thành lập ở Việt Nam. Nhà máy sản xuất có công suất lên đến 100 triệu lít bia mỗi năm và được đặt tại Bình Dương.
Doanh thu thuần của hãng bia này tăng qua các năm. Cụ thể tăng gần 75% năm 2021, 70% năm 2022 và đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Lãi sau thuế có sự biến động nhưng vẫn lỗ 3 năm liền. Năm 2020 lỗ hơn 250 tỷ, giảm 36% năm 2021, sang 2022 tăng hơn 50%.