Thị trường IPO Đông Nam Á sụt giảm mạnh, đặt hết kỳ vọng vào AI
Thị trường IPO Đông Nam Á trải qua giai đoạn khó khăn, sụt giảm mạnh về số lượng và giá trị trong nửa đầu năm 2024 do nhiều yếu tố vĩ mô.
Theo báo cáo mới nhất của Deloitte, thị trường IPO Đông Nam Á đã suy giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024. Vốn hóa thị trường giảm 71% xuống còn 5,8 tỷ USD, số lượng vụ IPO trong nửa đầu năm 2024 giảm 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với chỉ 67 đợt chào bán.
Tổng số tiền huy động từ các đợt IPO cũng giảm 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,38 tỷ USD, với nửa đầu năm 2023 đạt 3,392 tỷ USD.
Thị trường IPO Đông Nam Á sụt giảm liên quan tới nhiều biến động kinh tế - chính trị thế giới |
Đáng chú ý, không có đợt IPO nào gây chấn động trong nửa đầu năm 2024. Chỉ có một đợt IPO lớn với vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD và huy động được hơn 200 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều so với ba đợt IPO lớn trong cùng kỳ năm ngoái, mỗi đợt huy động được hơn 600 triệu USD.
Xu hướng giảm này bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 và phản ánh tâm lý thị trường IPO đang yếu đi. Các nhà đầu tư và ứng viên IPO vẫn đang đánh giá các yếu tố kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, dữ liệu từ báo cáo chỉ ra rằng nửa cuối năm thường có hoạt động tốt hơn trong giai đoạn 2020 - 2022.
Chuyên gia Tay Hwee Ling, Trưởng bộ phận Báo cáo và Kế toán của Deloitte Đông Nam Á cho biết: “Bất chấp triển vọng tăng trưởng tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đông Nam Á ngày càng tăng, tình hình bất ổn địa chính trị kéo dài và môi trường lãi suất cao là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến điều kiện thị trường và tâm lý nhà đầu tư tại Đông Nam Á”.
Các nhà phân tích Deloitte cảnh báo lãi suất cao có thể tiếp tục duy trì trong năm 2024 do các chính phủ vẫn đang giải quyết vấn đề lạm phát. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư ưu tiên "lợi nhuận đã được chứng minh và dòng tiền bền vững" thay vì mô hình tăng trưởng bằng mọi giá.
Lạc quan thận trọng
Mặc dù tình hình hiện tại chưa mấy khả quan, chuyên gia Tay Hwee Ling vẫn lạc quan thận trọng về triển vọng cải thiện sau năm 2024. Dự báo về mức lãi suất thấp hơn trong tương lai có thể khuyến khích sự trở lại của các quỹ đầu tư bất động sản (REIT). Đặc biệt, các đợt IPO liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng ra mắt thị trường trong tương lai gần.
Bà Tay dự đoán: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một làn sóng IPO AI đáng kể khai thác thị trường vốn IPO trong những năm tới, mang lại sự đổi mới và cơ hội mới cho thị trường".
Báo cáo của Deloitte cho biết quốc gia dẫn đầu về IPO năm 2023 tại Đông Nam Á là Indonesia đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2024. Vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết giảm 92,2% xuống còn 1,22 tỷ USD, số tiền thu được từ IPO giảm 89,1% xuống 248 triệu USD. Số lượng công ty niêm yết cũng giảm 43,2%, từ 44 xuống còn 25 công ty.
Malaysia chứng kiến số tiền huy động được cao nhất là 450 triệu USD với số lượng IPO cao thứ hai với 21 đợt niêm yết. Thái Lan tiếp theo sau với 427 triệu USD được huy động. Quốc gia này chứng kiến số lượng IPO cao thứ ba với 17 lần niêm yết.
Sân bay Changi của Singapore. Nguồn: Albert Chua/The Edge Singapore |
Xét quy mô từng đợt IPO, Ngân hàng Thai Credit Bank Public Company Limited của Thái Lan huy động được số tiền cao nhất là 208 triệu USD trong khi OceanaGold (Philippines), Inc. của Philippines đứng thứ hai với số tiền thu được là 104 triệu USD. Tập đoàn khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe Alpha IVF Group Berhad của Malaysia đứng thứ ba với số tiền huy động được là 94 triệu USD.
Trong nửa đầu năm 2024, 10 đợt IPO hàng đầu đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines, đóng góp 848 triệu USD tương đương 62% tổng số tiền huy động được.
Theo Deloitte SEA, CNBC
>> Startup phát triển thuốc bằng AI lớn nhất thế giới nộp hồ sơ IPO
Chip AI giúp gã khổng lồ ngành bán dẫn TSMC phá mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa
Một tài sản tăng quá nóng, NHTW Trung Quốc lập tức hành động