Tiềm lực của liên danh đứng sau dự án siêu cảng Cần Giờ 129.000 tỷ đồng
Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL là đơn vị thành viên của Mediterranean Shipping Company (MSC), hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới.
Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 418/TB-VPCP, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp liên quan đến hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, còn được gọi là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đây là dự án quy mô lớn với diện tích quy hoạch lên tới 571ha nằm tại khu vực huyện Cần Giờ, TP. HCM. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km, cùng với bến sà lan khoảng 2km. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng hóa qua cảng có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047, tương đương 50% sản lượng hiện tại của cảng Singapore.
Đóng góp dự kiến của khu cảng vào ngân sách sẽ từ 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 129.000 tỷ đồng (hơn 5,2 tỷ USD), do CTCP Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển hàng đầu thế giới Mediterranean Shipping Company – MSC) đề xuất.
Phối cảnh siêu dự án Cảng Cần Giờ |
Tiềm lực “khủng” của 2 thành viên trong liên danh
CTCP Cảng Sài Gòn (Mã CK: SGP) là đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (Vinalines, Mã CK: MVN). Cảng Sài Gòn hiện có vốn điều lệ hơn 2.100 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là Vinalines đang sở hữu hơn 65% cổ phần. Đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của cảng Sài Gòn đạt gần 5.500 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 2.819 tỷ đồng.
Trong quý II/2024, cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 308 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng hai năm qua, lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng.
>>Phó Thủ tướng ra chỉ đạo mới về dự án 'siêu cảng' lớn nhất Việt Nam
Về phía công ty mẹ Vinalines, doanh nghiệp này được thành lập năm 1995 và sau gần 30 năm hoạt động, VIMC đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hàng hải, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Hiện nay, Vinalines có vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng với 30 công ty thành viên. Trong cơ cấu sở hữu, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước chiếm 99,36% cổ phần.
Nguồn: Tổng hợp |
Trong quý II/2024, Vinalines đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 4.670 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.136 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinalines ghi nhận doanh thu 8.269 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.616 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 80% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vinalines đạt 29.377 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 16.400 tỷ đồng, và nợ vay chiếm 12.977 tỷ đồng.
Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL là đơn vị thành viên của Mediterranean Shipping Company (MSC), hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Được thành lập vào năm 1970, sau hơn 50 năm phát triển, MSC đã vươn lên thành tập đoàn hàng hải có tầm ảnh hưởng lớn, sở hữu đội tàu container lớn nhất thế giới và mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn cầu.
MSC Irina là tàu container lớn nhất thế giới hiện nay do MSC sở hữu |
Năm 2022, MSC đạt tổng doanh thu ấn tượng 86,4 tỷ euro và lợi nhuận hoạt động lên đến 35,7 tỷ euro. Hãng sở hữu hơn 850 tàu chở hàng, với hơn 675 văn phòng tại 155 quốc gia và 200.000 nhân viên trên toàn thế giới. Đội tàu container của MSC có tổng công suất đạt 4,9 triệu TEU, chiếm khoảng 17% thị phần toàn cầu. Đặc điểm nổi bật của đội tàu MSC là sự đa dạng về kích cỡ và khả năng vận chuyển.
Vào tháng 3/2023, MSC đã sở hữu thêm hai tàu chở hàng lớn nhất thế giới hiện nay, MSC Tessa và MSC Irina, với công suất lần lượt là 24.116 TEU và 24.345 TEU. Trong đó, MSC Irina được ghi nhận là tàu container lớn nhất thế giới.
>>Siêu cảng Cần Giờ lọt vào 'mắt xanh' của hãng tàu lớn bậc nhất thế giới