Vĩ mô

Tỉnh dự kiến sáp nhập với Quảng Bình sẽ có tổ hợp hàng không tầm cỡ quốc tế rộng hơn 10.800ha

Phúc Lam 28/04/2025 - 11:40

Ngày 27/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra tiến độ 2 dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị là dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và Cảng hàng không Quảng Trị.

Với vị trí chiến lược đặc biệt, Quảng Trị được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đồng bộ đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển nhằm mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tại công trường Cảng hàng không Quảng Trị, liên doanh nhà đầu tư T&T Group-Cienco 4 đã báo cáo Phó Thủ tướng về việc hoàn tất nhiều hạng mục quan trọng như sân đỗ, nhà điều hành, trạm bê tông. Nhà đầu tư cho biết, sẵn sàng cho việc thi công đồng loạt các hạng mục gồm đường cất hạ cánh dài 3.000m, sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hành khách… từ tháng 5/2025.

Mục tiêu đặt ra là bảo đảm Cảng hàng không khai thác từ tháng 7/2026 với công suất 500.000 hành khách/năm; khi đầu tư hoàn chỉnh công suất của Cảng hàng không Quảng Trị sẽ đạt 5 triệu hành khách/năm.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị chính thức được khởi công vào ngày 6/7/2024, triển khai tại xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai (huyện Gio Linh), với quy mô hơn 265ha. Dự án được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II.

Liên danh nhà đầu tư kiến nghị cơ quan chức năng cho phép tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng để sớm nâng cấp quy mô sân bay đạt cấp 4E, tiếp nhận không hạn chế các loại máy bay; bảo đảm khai thác tàu bay Code E, đáp ứng công suất khai thác 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm (thiết kế ban đầu là 22.500 tấn hàng hóa/năm)

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tập đoàn T&T đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng tổ hợp hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế với tổng diện tích lên tới hơn 10.800ha, bao gồm: Cảng hàng không, trung tâm trung chuyển hàng hóa, tổ hợp công nghiệp hàng không (nghiên cứu phát triển sản xuất chế tạo linh kiện, phụ tùng tàu bay, lắp ráp, hoàn thiện tàu bay, bảo trì-bảo dưỡng, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật viên, thử nghiệm công nghệ hàng không,...), đô thị sân bay.

>>Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, một địa phương mới sẽ có cảng hàng không quốc tế và loạt khu công nghiệp trọng điểm

Tỉnh dự kiến sáp nhập với Quảng Bình sẽ có tổ hợp hàng không tầm cỡ quốc tế rộng hơn 10.800ha

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về tiến độ triển khai các hạng mục chính của Cảng hàng không Quảng Trị - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá những dự án như Cảng hàng không Quảng Trị sẽ góp phần giúp địa phương cất cánh. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu phương án kết nối giao thông bằng đường bộ, đường sắt để hoạt động di chuyển của hàng khách, dịch vụ vận tải logistics được nhanh chóng và thuận tiện.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai dự án, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, nhà đầu tư cần có tầm nhìn lâu dài, rộng mở để phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không, chế tạo thiết bị, logistics và dịch vụ quốc tế.

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Quảng Trị.

Chiều 17/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Quảng trị đã có buổi hội nghị để triển khai các nội dung liên quan đến vấn đề sáp nhập tỉnh.

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới có diện tích gần 12.700km2, dân số đạt gần 1.870.000 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới hiện nay; giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy như 2 tỉnh hiện nay sau sắp xếp lại; số lượng cơ quan, đơn vị của tỉnh mới không nhiều hơn số lượng đơn vị của 2 tỉnh hiện có; giữ nguyên các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính độc lập, không tương đồng chức năng, nhiệm vụ, tên gọi của 2 tỉnh hiện có.

Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, việc hợp nhất 2 tỉnh không chỉ là sự kiện hành chính mà là một cơ hội mang tính lịch sử để thiết lập lại không gian phát triển mới, mở rộng dư địa tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương có vị trí địa lý chiến lược, nhiều tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội.

>>Tháng sau, liên danh T&T - Cienco 4 sẽ thi công sân bay 5.800 tỷ tại Quảng Trị

Sau sáp nhập, 4 tỉnh này vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương

Đà Nẵng, Quảng Trị bỏ cách đặt tên phường, xã mới theo số thứ tự 1, 2, 3

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-du-kien-sap-nhap-voi-quang-binh-se-co-to-hop-hang-khong-tam-co-quoc-te-rong-hon-10800ha-288123.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh dự kiến sáp nhập với Quảng Bình sẽ có tổ hợp hàng không tầm cỡ quốc tế rộng hơn 10.800ha
    POWERED BY ONECMS & INTECH