Theo quan niệm dân gian, nếu xin một cành lộc nhỏ ở đền chùa, miếu sẽ được Thần Phật phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn suốt cả năm.
Việc hái lộc được nhiều người Việt Nam cho là một điều không thể thiếu khi Tết đến vì họ quan niệm rằng hái lộc sẽ mang về những điều may mắn, "Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Lộc ở đây không chỉ là tài lộc, còn là may mắn bình an, của sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, tươi mới. Thông thường, người dân sẽ đến đền chùa hoặc đi mua với hàm ý “hái” những cành lá non về cắm trong nhà hoặc trên bàn thờ.
Cành lộc có nhiều loại tương ứng với ý nghĩa khác nhau. Cành trứng gà sẽ đem về may mắn đường con cái, tượng trưng cho sự sum vầy; cành phất lộc mang mong muốn tài lộc, công danh cho gia đình; cành hoa hải đường thể hiện sự giàu sang, phú quý,...
Với một thành phố đông dân như Hà Nội thì việc đầu năm hái lộc, lễ bái ở đâu cũng là một điều rất quan trọng. Có đến 7 địa điểm cầu may mắn, tài lộc mà người dân không thể bỏ lỡ.
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nằm ngay trên một bán đảo giữa hồ Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 4km về hướng Tây. Phủ Tây Hồ có địa chỉ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Phủ Tây Hồ được xem là một trong những chốn linh thiêng nhất hệ thống đền, chùa ở Hà Nội. Nơi đây không chỉ thu hút người dân Hà Nội, mà cả những khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thắp hương cầu phúc.
Vốn được coi là nơi linh thiêng, du lịch tâm linh đầu năm nên vào dịp Tết, phủ Tây Hồ luôn đón một lượng du khách đổ về đây rất đông. Khách đổ về đây không chỉ để cầu may, cầu tài lộc mà còn để ngắm cảnh đẹp Tây Hồ.
Chùa Vạn Niên
Chùa Vạn Niên tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm thứ 2 Thuận Thiên, tính đến nay đã trải qua hàng ngàn năm kể từ ngày Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra kinh thành Thăng Long.
Chùa Vạn Niên là địa điểm hành hương vãn cảnh và chiêm bái được nhiều con nhang đệ tử và du khách gần xa. Đặc biệt trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết hay các ngày hội Phật giáo, chùa đón tiếp hàng ngàn người dân đến làm lễ và vãn cảnh.
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ có địa chỉ ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỉ 15, là một trong những ngôi chùa lâu đời của Việt Nam.
Từ lâu, ngôi chùa đã nổi tiếng là linh thiêng, thanh tịnh. Ngoài ra đây còn là trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của giáo hội.
Bởi vậy trong ngày đầu năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ, hái lộc cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế và được bình chọn là một trong 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới. Chùa tọa lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ. Nơi đây có cảnh quan phong thủy hữu tình.
Nổi tiếng linh thiêng về cầu tài, cầu lộc lại là danh thắng bậc nhất đất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa kia thường là nơi để các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Ngày nay, trong dịp đầu năm, ngôi chùa này luôn tấp nập những du khách đến lễ chùa và cầu mong những điều may mắn.
Chùa Hà
Một trong những địa điểm lễ chùa đầu năm tại Hà Nội thu hút rất nhiều người ghé thăm chính là chùa Hà. Chùa có địa chỉ ở ngõ 86 phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy.
Nổi tiếng là ngôi chùa cầu tình duyên, trong ngày đầu năm Chùa Hà càng thu hút nhiều du khách, Phật tử đến lễ đầu năm và xin tình duyên được vẹn tròn. Đó là lý do nếu ở các ngôi chùa khác thì người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên thì ở chùa Hà, đông nhất lại là các bạn trẻ.
Chùa Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh còn có tên là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang. Chùa tọa lạc tại phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Được xây dựng vào thời Hậu Lê, đến năm 1988, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Chùa Phúc Khánh từ lâu đã là một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nức tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội. Ngay sau giờ phút giao thừa, rất đông người đã tới đây cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.
Chùa tọa lạc tại 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nằm trong một khuôn viên nhỏ nhưng chùa Phúc Khánh vẫn đầy vẻ uy nghiêm, cổ kính.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể di tích nằm ở số 58 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây không chỉ là ngôi trường đại học đầu tiên ở nước ta mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn văn hóa - lịch sử nghìn năm văn hiến.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng trong năm 1070 vào đời vua Lý Thánh Tông nhằm tôn thờ Nho học. Sau đó được trở thành nơi tổ chức khoa thi, hướng đến mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những người tài giỏi cùng tham gia xây dựng đất nước.
Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách khi có dịp đến với du lịch Tết Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân Hà thành trong những ngày Tết truyền thống với ước mong năm mới an lành, hạnh phúc.
>> Những điểm du lịch siêu hấp dẫn ‘hút’ khách vào Tết Nguyên đán 2024
Những điểm du lịch siêu hấp dẫn ‘hút’ khách vào Tết Nguyên đán 2024
Người Nhật dọn nhà đón Tết: Quy tắc 5 phút tốn ít công sức hiệu quả cao