Toyota thiệt hại 1,3 tỷ USD lợi nhuận trong hai tháng vì thuế quan của Mỹ
Chính sách thuế quan cứng rắn của Mỹ gây ra làn sóng chấn động trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, khiến Toyota thiệt hại hàng tỷ USD và buộc Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng.
Sau một năm tài chính thành công vang dội với mức lợi nhuận cao nhất lịch sử của các doanh nghiệp Nhật Bản, Toyota Motor đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ môi trường kinh doanh toàn cầu, đặc biệt là các chính sách thuế quan mới từ Mỹ.
Trong báo cáo công bố hôm 8/5, Toyota dự báo lợi nhuận hoạt động của hãng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm sau sẽ giảm khoảng 20% so với năm trước. Một trong những nguyên nhân chính là mức thuế quan do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đối với xe ô tô và linh kiện nhập khẩu vào Mỹ.

Cụ thể, Toyota cho biết ước tính hãng sẽ chịu thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD chỉ trong hai tháng (tháng 4-5/2025) kể từ khi mức thuế 25% có hiệu lực đối với xe nhập khẩu. Tuần trước, thuế quan này tiếp tục được mở rộng sang các loại phụ tùng ô tô – động thái khiến chi phí sản xuất và nhập khẩu của các nhà sản xuất nước ngoài đội lên đáng kể.
“Tác động của các mức thuế quan này rất khó dự đoán,” ông Koji Sato, Giám đốc điều hành Toyota, phát biểu trong buổi họp báo tại Tokyo. “Môi trường xung quanh ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả quan hệ thương mại toàn cầu, đang biến động ở mức độ chưa từng thấy.”
Một năm trước, Toyota đã ghi nhận cú hích lớn từ thị trường Mỹ khi doanh số xe hybrid tăng mạnh nhờ giá xăng cao và xu hướng chuyển sang phương tiện thân thiện với môi trường. Đồng thời, đồng yên yếu cũng giúp tăng giá trị thu nhập từ thị trường nước ngoài khi quy đổi về nội tệ. Những yếu tố này giúp Toyota đạt lợi nhuận kỷ lục, củng cố vị thế là hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi đồng yên đang tăng trở lại và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ ngày càng được siết chặt, viễn cảnh kinh doanh của hãng đang trở nên bất ổn. Giới chuyên gia nhận định các biện pháp thuế quan mới không chỉ gây thiệt hại cho Toyota mà còn đẩy ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vào thế bị động, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến quyết định đầu tư dài hạn.
Trong khi Tổng thống Donald Trump đã tạm hoãn áp thuế 24% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản cho đến đầu tháng 7, thì mức thuế cao đối với ô tô và linh kiện ô tô đã bắt đầu có hiệu lực và gây tổn thất nghiêm trọng cho một trong những ngành công nghiệp trụ cột của Nhật Bản. Ô tô và phụ tùng ô tô từ lâu đã là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản sang thị trường Mỹ.
Theo ông Ryosei Akazawa, đặc phái viên hàng đầu của Tokyo trong các cuộc đàm phán thương mại, mức thuế mới do Mỹ áp đặt đang khiến một nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải trả tới 1 triệu USD mỗi giờ. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa hai bên diễn ra chậm chạp, một phần do phía Washington đã ra tín hiệu rõ ràng rằng yêu cầu then chốt của Nhật Bản – miễn thuế đối với ô tô – không phải là điều có thể thương lượng.
Trở về từ vòng đàm phán mới nhất tại Washington vào cuối tuần qua, ông Akazawa thừa nhận rằng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã kêu gọi sự kiên nhẫn và cẩn trọng trong các cuộc thương lượng. Ông nhấn mạnh rằng Tokyo không nên vội vã chấp nhận một thỏa thuận có thể gây tổn hại đến lợi ích lâu dài của đất nước.

“Chúng ta cần kiên định bảo vệ những giá trị và lợi ích chiến lược,” Thủ tướng Ishiba phát biểu tại một cuộc họp nội các. “Việc nhượng bộ vì áp lực ngắn hạn có thể để lại hậu quả lớn cho nền kinh tế và vị thế quốc gia trong tương lai".
Các nhà kinh tế và quan chức Nhật Bản đang ngày càng lo ngại về tác động lan rộng của chính sách thuế quan từ Mỹ đối với nền kinh tế quốc gia. Ngành công nghiệp ô tô cùng với mạng lưới cung ứng linh kiện phức tạp trải dài khắp đất nước từ lâu đã là xương sống của lĩnh vực sản xuất tại Nhật Bản.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bất ngờ hạ hơn một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia, viện dẫn các mức thuế quan “chưa từng có tiền lệ” từ Mỹ là nguyên nhân chính gây ra sự điều chỉnh này.
Những nhận định từ Toyota hôm thứ Năm (8/5) đã cho thấy rõ một giai đoạn đầy thách thức đang đến gần không chỉ với riêng hãng mà còn với toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Đáng chú ý, Toyota vốn được đánh giá là một trong những hãng ít chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump.
Trong hơn 2,3 triệu xe mà Toyota tiêu thụ hàng năm tại Mỹ, chỉ có khoảng 500.000 xe được xuất khẩu từ Nhật Bản, phần lớn còn lại được sản xuất tại các nhà máy trong khu vực Bắc Mỹ. Mặc dù các mức thuế mới đang gây áp lực lớn lên lợi nhuận, Toyota vẫn dự báo doanh số tại thị trường Bắc Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 237.000 xe trong năm tài chính hiện tại.
Tuy nhiên, tình hình có thể nghiêm trọng hơn đối với các hãng sản xuất ô tô nhỏ hơn. Mazda và Subaru – hai thương hiệu có tỷ lệ xe nhập khẩu vào Mỹ cao hơn nhiều – được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Mitsubishi Motors thậm chí không có bất kỳ nhà máy lắp ráp nào tại Mỹ, khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng ở thị trường này dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước các mức thuế.
Hai hãng xe lớn thứ hai và thứ ba của Nhật Bản, Honda và Nissan, dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính vào tuần tới. Giới phân tích đang theo dõi sát sao những con số này để đánh giá mức độ lan tỏa của khủng hoảng trong toàn ngành.
Không chỉ các hãng xe Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu cũng đang bắt đầu cảm nhận rõ sức ép. Tuần trước, General Motors (GM) – hãng xe lớn nhất của Mỹ – đã phải điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận năm 2025 hơn 20%, với lý do chi phí dự kiến tăng thêm ít nhất 4 tỷ USD trong năm do ảnh hưởng từ thuế quan. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu đã chọn tạm hoãn công bố dự báo tài chính cho năm 2025, viện dẫn sự bất ổn và khó lường của chính sách thương mại Mỹ là lý do chính.
Tham khảo Nikkei Asia, The New York Times (NYT)
Netflix mất 20 tỷ USD chỉ sau 1 tuyên bố sốc của ông Trump
Chịu sức ép lớn, Tổng thống Mỹ Trump sẽ giảm thuế cho linh kiện ô tô