Theo thông tin từ TP. HCM, hiện nay tuyến đường sắt đô thị số 1 đã hoàn thành khoảng hơn 90% khối lượng xây lắp và dự kiến đưa vào vận hành vào đầu năm 2024.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa thông báo về công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro số 1.
Theo đó, TP. HCM sẽ mở mới 22 tuyến buýt, điều chỉnh lộ trình 15 tuyến, cùng với 11 tuyến hiện hữu kết nối với metro để khách dễ tiếp cận khi tàu hoạt động.
Cụ thể, 22 tuyến buýt mới được đề xuất để gom khách cho metro số 1 trong đó có 19 tuyến mới sẽ kết nối trường học, khu đô thị, như: Đại học Quốc gia, Nông Lâm, Vinhome Grand Park, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, Masteri An Phú... và 3 tuyến liên tỉnh qua Bình Dương, Đồng Nai gồm: 61-9, 61-10 và 60-9.
Song song đó, 11 tuyến buýt hiện hữu có lộ trình qua các ga ngầm ở khu trung tâm và dọc Xa lộ Hà Nội được giữ nguyên hiện trạng, gồm: 2 tuyến liên tỉnh (60-1, 60-2) và 9 tuyến nội thành (08, 19, 33, 43, 56, 76, 93, 141, 150).
15 tuyến khác sẽ điều chỉnh lại lộ trình, trong đó có 4 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội thành kết nối vào ga Tân Cảng (Quận Bình Thạnh) cùng khu vực bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) với các ga Suối Tiên, Đại học Quốc gia...
Với mạng lưới xe như trên, toàn bộ 14 nhà ga của metro Bến Thành - Suối Tiên đều được kết nối bằng hệ thống buýt gom. Trong đó, ga Bến Thành tập trung nhiều nhất, với 29 tuyến. Kế đến ga Nhà hát thành phố gồm 14 tuyến; Suối Tiên, Đại học Quốc Gia gồm 12 tuyến; Tân Cảng gồm 10 tuyến.
Tại các điểm ga nói trên sẽ được bố trí: trạm dừng xe buýt, nhà chờ xe buýt, khu vực đón trả khách, bãi đậu xe cá nhân.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện đồng bộ với tuyến metro số 1.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, hiện nay tuyến đường sắt đô thị số 1 đã hoàn thành khoảng hơn 90% khối lượng xây lắp và dự kiến đưa vào vận hành vào đầu năm 2024.