Trung Quốc đang kỳ vọng “ba ngành công nghiệp mới” và các lĩnh vực mới nổi khác có thể giúp nước này trở nên giàu có hơn, vượt qua áp lực dân số và hỗ trợ hành trình vươn lên trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
“Khởi động lại” nền kinh tế
Theo tờ Wall Street Journal, Trung Quốc đang đẩy mạnh gấp đôi hoạt động sản xuất để “khởi động lại” nền kinh tế sau một năm biến động, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang tập trung vào các ngành công nghiệp được đánh giá cao và tăng trưởng toàn cầu có phần bấp bênh.
Số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong nhiều thập kỷ, ngoại trừ 3 năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Vì vậy động lực tăng trưởng mới cần được phát triển.
>> Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% nhờ Chính phủ nỗ lực bơm tiền
Những biến động tài sản kéo dài cho thấy Bắc Kinh không còn có thể dựa vào lĩnh vực đầu tư bất động sản nữa. Tuy nhiên nhiều quan chức lại tỏ ra chưa muốn dứt khoát chuyển động lực tăng trưởng sang chi tiêu của người tiêu dùng. Kết quả là vốn đang đổ vào các nhà máy khi nước này cố gắng thúc đẩy nền kinh tế đi vào đúng quỹ đạo.
Trọng tâm của tham vọng đó là kế hoạch thống trị thị trường toàn cầu trong các ngành công nghiệp mới nổi, như xe điện, pin và thiết bị năng lượng tái tạo. Các công ty Trung Quốc như gã khổng lồ ô tô BYD, nhà sản xuất pin CATL hay Longi Green Energy Technology (đơn vị sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới) là những cái tên nổi bật.
Trung Quốc cũng kỳ vọng những lĩnh vực mà các quan chức nước này gọi là “ba ngành công nghiệp mới” và các lĩnh vực mới nổi khác sẽ giúp nền kinh tế xua tan bóng ma giảm phát và trì trệ “tương tự Nhật Bản” khi cuộc khủng hoảng bất động sản đè nặng lên lĩnh vực xây dựng, đầu tư và niềm tin tiêu dùng.
Về lâu dài, Trung Quốc muốn những ngành này và các ngành sản xuất công nghệ cao khác tiên phong trên hành trình “soán ngôi” Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời giúp Trung Quốc trở nên giàu có hơn và vượt qua áp lực từ xu hướng dân số giảm và già đi.
>> Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sụt giảm mạnh
Trung Quốc đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất. ẢNH: CFOTO/ZUMA PRESS |
Rào cản lớn
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng nhìn thấy hai rào cản lớn phía trước.
Một là bất động sản đã trở thành một phần rất lớn của nền kinh tế Trung Quốc - đến mức không thể dễ dàng thay thế được. Điều đó hàm ý rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một giai đoạn “di chuyển” chậm hơn nhiều so với những gì các hộ gia đình, doanh nghiệp và nhà đầu tư mong đợi trong quá trình tái cân bằng.
Hai là, nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, đang ra tín hiệu rằng họ cũng không quá hào hứng mua thành quả từ quá trình đổi mới công nghiệp của Trung Quốc. Vì vậy, trong một số trường hợp, các sản phẩm của Trung Quốc cũng gặp nhiều hạn chế. Điều này có thể tạo ra rủi ro là các quốc gia “hành xử tương tự” lặp lại theo vòng và có thể gây áp lực lâu dài lên nền kinh tế toàn cầu.
Giáo sư Eswar Prasad đang công tác tại Đại học Cornell và là cựu Giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: “Trung Quốc bị lo ngại là quốc gia có thể thống trị thị trường toàn cầu”.
Nhiều điểm mạnh nhưng có lẽ chưa đủ
Trong 1 năm tăng trưởng chậm chạp như 2023, dòng vốn đầu tư sản xuất đã trở thành điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, theo dữ liệu chính thức công bố tuần trước. Đây là mức tăng trưởng khiêm tốn, dù vượt mục tiêu cho năm của các quan chức nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng thường thấy trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng chỉ ra đầu tư vào sản xuất công nghệ cao đã tăng 9,9% so với năm trước - được thúc đẩy khi nguồn vốn được rót nhiều vào các lĩnh vực như điện tử, hàng không và truyền thông.
Đối với những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, phần lớn sẽ chuyển hoạt động sản xuất cấp thấp cho các địa điểm có chi phí rẻ hơn khi hoạt động sản xuất công nghệ cao của họ phát triển. Không giống như vậy, Trung Quốc lại đang hướng tới củng cố vị thế là công xưởng của thế giới bằng cách không chỉ sản xuất hàng hóa cao cấp như máy bay và chất bán dẫn mà vẫn tập trung phát triển những thứ mà họ vốn đã xuất sắc trong nhiều thập kỷ, như đồ chơi và đồ nội thất.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 31% sản lượng sản xuất toàn cầu, cao hơn đáng kể so với mức 16% của Mỹ.
Một thành công nổi bật của Trung Quốc vào năm 2023 là lĩnh vực ô tô đang phát triển nhanh chóng. Nhờ doanh số bán xe chủ yếu chạy bằng khí đốt sang Nga tăng mạnh, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc như BYD và XPeng cũng đã đặt cược vào thị trường xe điện đang phát triển.
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới |
Tuy nhiên, năng lực sản xuất này và vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp "hot" như ô tô điện và tấm pin mặt trời có lẽ vẫn chưa đủ để làm “lu mờ” sự phụ thuộc của nền kinh tế vào bất động sản và xây dựng - vốn được coi là những động lực tăng trưởng hàng đầu.
Ước tính của Giáo sư Kenneth Rogoff thuộc Đại học Harvard và Yuanchen Yang của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy xây dựng, đầu tư bất động sản và các hoạt động liên quan chiếm tới 25% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Trung Quốc trước đại dịch, so với mức từ 10% đến 15% ở hầu hết các nền kinh tế khác. Trong đó, chi tiêu cơ sở hạ tầng đạt 30%.
Hoạt động xây dựng vẫn đang thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc ngay cả khi tình hình bất động sản nhà ở nước này gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc số lượng chung cư chưa hoàn thiện đã “tăng lên như nấm”. Dữ liệu cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng đã tăng 6,5% vào năm 2023 so với một năm trước đó khi Chính phủ cấp vốn cho các dự án giao thông và điện.
Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics ở Singapore, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xây dựng. Lý do nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 5% không phải vì xuất khẩu xe điện đang bùng nổ. Điều đó quá nhỏ.”
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đồng tình khi tính toán rằng đầu tư vào “Ba ngành công nghiệp mới” trong những năm tới sẽ không đủ để bù đắp lực cản từ những thách thức lớn hơn mà Trung Quốc phải đối mặt.
Trong một báo cáo gần đây, họ ước tính rằng tình trạng sụt giảm tài sản liên tục và hoạt động sản xuất ô tô truyền thống giảm sút sẽ khiến tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2027, ngay cả sau khi tính đến khoản đầu tư khủng vào xe điện, pin và năng lượng tái tạo. Họ nhận thấy tác động lên việc làm cũng sẽ có phần tiêu cực vì lĩnh vực xây dựng có xu hướng tạo ra nhiều việc làm hơn so với sản xuất hiện đại. Ngân hàng đầu tư dự đoán tăng trưởng hàng năm ở Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức khoảng 4,5% trong năm nay và 3,7% vào năm 2027.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào ô tô và các lĩnh vực công nghiệp khác khi bất động sản sụt giảm |
Sự tiến công quyết liệt của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất cao cấp diễn ra khi Mỹ và các quốc gia giàu có khác ngày càng tìm cách phát triển và bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Mỹ đang rót hàng tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo và sản xuất chất bán dẫn, theo Wall Street Journal.
Khi theo đuổi chiến lược tăng trưởng mới, Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu ít hơn khi họ dần tự sản xuất nhiều thứ hơn, đồng thời xuất khẩu nhiều sản phẩm cao cấp hơn sang thị trường toàn cầu. Nhiều nhà kinh tế nhận định kết quả có thể sẽ tạo ra một làn sóng thuế quan mới và các xung đột thương mại khác, kéo theo giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng và tăng trưởng toàn cầu yếu hơn khi các rào cản thương mại và đầu tư gia tăng.
Điều đó cũng có nghĩa các công ty phương Tây sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các công ty Trung Quốc ở các nước đang phát triển. Trong khi một số quốc gia, ví dụ Ấn Độ, đang xem xét các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với một số sản phẩm của Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ, thì những quốc gia khác có thể sẽ coi chúng như những lựa chọn thay thế hợp lý cho hàng hóa công nghệ cao của phương Tây.