Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng loại bỏ đồng USD, thay thế SWIFT
Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và phát triển hệ thống thanh toán độc lập nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD và củng cố vị thế tài chính trên trường quốc tế.
Trung Quốc vừa công bố kế hoạch hành động nhằm tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ và hệ thống thanh toán độc lập trong giao dịch quốc tế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.
Kế hoạch do thành phố Thượng Hải, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và các cơ quan quản lý tài chính phối hợp ban hành vào đầu tuần này, đặt mục tiêu phát huy vai trò của Thượng Hải như một trung tâm tài chính toàn cầu để mở rộng phạm vi sử dụng đồng nhân dân tệ, đặc biệt tại các thị trường Nam Bán cầu.

Theo kế hoạch, Thượng Hải sẽ tăng cường năng lực của Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) – giải pháp thay thế của Trung Quốc cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT – đồng thời mở rộng mạng lưới CIPS trên toàn cầu.
Sáng kiến cũng bao gồm việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hoạt động ra nước ngoài, thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể tham gia thị trường quốc tế.
Giới phân tích nhận định, Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD, trong bối cảnh Washington được cho là đang gây áp lực lên hơn 70 đối tác thương mại để kiềm chế mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Việc sử dụng đồng nội tệ và hệ thống thanh toán riêng được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc gia tăng khả năng chống chịu trước các biện pháp tài chính từ phía Mỹ, đồng thời củng cố vị thế trong chuỗi thương mại toàn cầu.
Theo dữ liệu từ SWIFT, đồng nhân dân tệ tiếp tục giữ vị trí là đồng tiền thanh toán được sử dụng nhiều thứ tư trong tháng 3, chiếm 4,13% tổng giá trị giao dịch toàn cầu. Trong khi đó, đồng USD vẫn giữ vai trò thống trị với tỷ lệ 49,08%.
Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy, đồng nhân dân tệ chiếm 2,18% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, còn đồng USD chiếm tới 57,8%.
Trong khuôn khổ kế hoạch hành động vừa công bố, Thượng Hải sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước ưu tiên sử dụng đồng nhân dân tệ trong các hoạt động đầu tư và thanh toán xuyên biên giới, nhằm mở rộng hơn nữa phạm vi sử dụng đồng tiền này trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng sẽ phát triển các dịch vụ hỗ trợ việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong nhiều lĩnh vực chiến lược, bao gồm thương mại điện tử thuộc Sáng kiến Con đường tơ lụa, logistics cao cấp, xuất khẩu thiết bị quy mô lớn và dịch vụ dành cho lao động ở nước ngoài.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu “thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ tại các quốc gia đối tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời xây dựng hệ thống dịch vụ thương mại và đầu tư tại Thượng Hải nhằm tạo điều kiện lưu thông và sử dụng đồng tiền này trên quy mô toàn cầu”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết phát triển các sản phẩm phòng ngừa rủi ro ngoại hối đa dạng, tăng cường khả năng quản trị rủi ro tài chính cho doanh nghiệp.
Các ứng dụng công nghệ như blockchain sẽ được nghiên cứu để triển khai vào các sản phẩm bảo hiểm mới. Đồng thời, Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng bảo hiểm cho các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như máy bay thương mại sản xuất trong nước, xe năng lượng mới và thiết bị công nghiệp quy mô lớn.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, với mức thuế trả đũa lẫn nhau tăng hơn 120%, thị trường tài chính toàn cầu đang chịu tác động mạnh. Lo ngại về sự phân tách kinh tế giữa hai siêu cường đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ trong hai tuần qua, đặc biệt là trái phiếu dài hạn. Hệ quả là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã tăng thêm 0,5 điểm phần trăm – mức tăng mạnh trong thời gian ngắn hiếm thấy.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)
Vàng vượt mốc 3.500 USD, dân Mỹ ồ ạt bán trang sức chốt lời
Chuyên gia: Ông Trump đang lo lắng nhưng Trung Quốc sẽ không vội đạt thỏa thuận với Mỹ