Từ 1/7, tỉnh đông dân nhất Việt Nam sẽ là địa phương có số lượng xã được giữ nguyên nhiều nhất sau sắp xếp
Tỉnh này là một trong những địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được giữ nguyên nhiều nhất với tổng cộng 18 xã, bao gồm 12 xã biên giới giáp Lào và 6 xã vùng núi cao sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ chính thức giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 547 xuống còn 166, tương ứng giảm gần 70%. Đây là bước đi mang tính đột phá trong tiến trình tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Với diện tích tự nhiên 11.114,71km2 và dân số hơn 4,32 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước và diện tích đứng thứ 5 toàn quốc.
Địa bàn tỉnh trải dài từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao biên giới giáp Lào, tạo nên sự đa dạng về địa hình, dân cư và văn hóa.

Theo như phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, địa phương này thực hiện sắp xếp 529 đơn vị hành chính cấp xã thành 166 đơn vị hành chính cấp xã mới gồm: 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi).
Toàn tỉnh giảm 381 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65% .
Đáng nói Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng xã được giữ nguyên nhiều nhất, với tổng cộng 18 xã, bao gồm 12 xã biên giới giáp Lào và 6 xã vùng núi cao.

Việc không sáp nhập các xã này nhằm đảm bảo ổn định quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và phù hợp với đặc thù địa hình, dân cư.
Theo đó, đối với 12 xã biên giới giáp Lào, việc giữ nguyên nhằm tránh ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đối với 6 xã vùng cao, các xã này có diện tích rộng, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn và đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Với vị trí địa lý chiến lược, Thanh Hóa là cửa ngõ kết nối Bắc – Trung - Nam, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ.
Việc sáp nhập hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, phát triển đô thị và nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây cũng là cơ hội để Thanh Hóa phát huy tiềm năng, lợi thế, vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực và cả nước.
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là mô hình để các địa phương khác học tập, nhân rộng trong quá trình cải cách hành chính, xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
>> Một TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam dự kiến có 2 đặc khu hành chính đầu tiên sau sắp xếp