Tỷ phú người Pháp 'đánh rơi' 37 tỷ USD vì hàng hiệu ế khách nhưng vẫn giàu hơn Bill Gates
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các nhà đầu tư đang lo ngại về tương lai của ngành hàng xa xỉ, đặc biệt là khi sự phục hồi vẫn còn xa vời.
Mười tám tháng trước, cổ phiếu LVMH được giao dịch ở mức cao kỷ lục đã biến nhà sáng lập thương hiệu Bernard Arnault trở thành người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, đến ngày 17/10, nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc đối với các mặt hàng thời trang cao cấp đã xóa sổ hơn 163 tỷ USD vốn hóa thị trường của LVMH.
Arnault theo đó cũng tụt xuống vị trí thứ 5 trên chỉ số tỷ phú, đồng thời chỉ số này cho thấy ông đã mất 37 tỷ USD trong giai đoạn vừa qua – nhiều hơn bất kỳ ai trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới.
Theo chỉ số, tài sản ròng của nhà sáng lập người Pháp 75 tuổi này hiện đạt 174,5 tỷ USD - cao hơn Bill Gates nhưng vẫn kém xa Elon Musk, người đứng đầu danh sách cùng các tỷ phú khác chủ yếu trong ngành công nghệ. Những người này đều chứng kiến tài sản tăng lên hàng chục tỷ USD trong năm nay.
Đà sụt giảm đã làm tiêu tan mọi triển vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” trong ngành hàng xa xỉ. Câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư là tình trạng suy thoái sẽ kéo dài bao lâu và liệu sự phục hồi có thể trở lại như thời kỳ thịnh vượng trước đây hay không.
Lần đầu tiên kể từ quý II/2020, khi thế giới bị phong tỏa do dịch Covid, mảng thời trang và đồ da của LVMH ghi nhận mức giảm doanh số hữu cơ theo quý.
Cổ phiếu LVMH giảm tới 7,5% vào ngày 17/10 xuống mức thấp nhất trong 2 năm, khiến các đối thủ cạnh tranh của công ty cũng giảm theo.
Thị trường Trung Quốc là khu vực hoạt động kém nhất đối với LVMH, nhưng sự thiếu tăng trưởng tại Mỹ - khu vực lớn thứ 2 của tập đoàn - cho thấy rắc rối đang lan rộng. Công ty đã khiến các nhà đầu tư lo lắng với những dự báo mơ hồ giữa các rủi ro từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đến căng thẳng thương mại, theo The Business Times.
Khi được hỏi về triển vọng, Giám đốc tài chính của LVMH, Jean-Jacques Guiony cho biết: "Chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Điều duy nhất chúng tôi biết là khi hoạt động kinh doanh đi xuống, thường sau đó nó sẽ tốt trở lại. Đây là một ngành kinh doanh theo chu kỳ".
Khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), bao gồm Trung Quốc, chứng kiến doanh số lao dốc 16% trong quý III/2024, mức giảm lớn hơn dự kiến. Đây là quý thứ 3 liên tiếp công ty có kết quả kinh doanh tiêu cực.
Người tiêu dùng tại Trung Quốc nói riêng đang hạn chế chi tiêu do lo ngại về thị trường bất động sản yếu kém và triển vọng việc làm không chắc chắn. Những lo ngại này thúc đẩy chính quyền Trung Quốc tung ra gói kích thích vào tháng trước, nhưng vẫn chưa cho thấy tác động tích cực đến nhu cầu tiêu dùng.
Ông Guiony nhận định: "Niềm tin của người tiêu dùng tại Trung Quốc hiện đã trở lại mức thấp nhất mọi thời đại trong giai đoạn Covid". Ông nói thêm rằng hiện tại rất khó để đánh giá tác động tiềm ẩn của các biện pháp đó lên nhu cầu, nhưng "điều đó cho thấy họ đang rất nghiêm túc giải quyết vấn đề này".
Bên cạnh đó, sự suy thoái ở Trung Quốc đang làm tăng tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với LVMH. Một năm trước, Mỹ chiếm 24% tổng doanh thu của tập đoàn Pháp, trong khi châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tạo ra 32%. Hiện tại, con số này lần lượt là 25% và 29%.
Theo The Business Times