Vấn nạn ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á: Hàng hiệu bị làm giả tràn lan, Chanel, Louis Vuitton đứng đầu bảng
Trong vòng 5 năm qua, Chanel là thương hiệu bị làm giả nhiều nhất được phát hiện thông qua hoạt động giám sát trực tuyến tại Hàn Quốc, theo số liệu mới được công bố.
Theo Nghị sĩ Đảng Dân chủ tự do Oh Sae-hee, số lượng bài đăng rao bán hàng giả bị phát hiện khi kinh doanh trực tuyến (bán hàng online) ở Hàn Quốc đã tăng trung bình 16% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2024. Dữ liệu này được lấy từ báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPPA) về hiệu quả hoạt động của nhóm giám sát từ xa.
Cơ quan kể trên đã theo dõi các bài đăng bán hàng giả trên 17 nền tảng trực tuyến, bao gồm 12 chợ điện tử, 2 cổng thông tin và 3 nền tảng mạng xã hội ở Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Những người bán thường sử dụng các từ khóa như “authentic-grade” (loại như hàng thật), “mirror-grade” (loại giống như bản gốc), “replica for sale” (bản sao rao bán) và “non-manufacturer branded item” (sản phẩm có thương hiệu không phải của nhà sản xuất) để tiếp thị hàng giả.
Số vụ việc rao bán hàng giả online được phát hiện ở Hàn Quốc là 126.542 vụ vào năm 2020, 171.606 vụ năm 2021, 181.131 vụ năm 2022, 198.853 vụ năm 2023 và 225.841 vụ vào năm 2024.
Xét theo thương hiệu, hãng thời trang xa xỉ đến từ Pháp Chanel đứng đầu danh sách bị làm giả trong 5 năm qua được rao bán trên các nền tảng trực tuyến tại Hàn Quốc với 138.082 trường hợp bị phát hiện. Tiếp theo là Louis Vuitton với 101.621 vụ, Gucci 92.505, Christian Dior 46.621, Prada 40.759, Nike 38.329, Celine 28.419, Balenciaga 28.114 và Saint Laurent 20.768 vụ.
Xét theo loại sản phẩm, túi xách là mặt hàng phổ biến nhất bị làm giả và rao bán online tại “xứ sở kim chi” với 309.420 vụ. Tiếp theo là quần áo (234.894), giày dép (139.326), phụ kiện (67.848), ví (47.682) và đồng hồ (41.624).
>> Nhà máy Trung Quốc 'phản đòn' Mỹ: Bán túi Hermès giá chỉ bằng 1/10, phá vỡ luật chơi hàng xa xỉ

“Số lượng hàng giả được phát hiện bởi nhóm giám sát từ xa đang ngày càng tăng, nhưng vẫn chưa đủ để kiềm chế tốc độ lưu hành của chúng. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống có khả năng giám sát liên tục bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến và mở rộng các cuộc điều tra chủ động, có trọng tâm của lực lượng cảnh sát tư pháp chuyên trách về sở hữu trí tuệ”, Nghị sĩ Oh Sae-hee phát biểu hôm thứ Sáu (2/5).
Theo Korea JoongAng Daily
>> Nhà giàu Trung Quốc ngó lơ, mặt hàng 'biểu tượng sang giàu' giờ nguội lạnh