VNDirect (VND) làm gì với gần 6.000 tỷ đồng dự kiến huy động trong giai đoạn 2024-2025?
Nếu hoàn tất 4 phương án tăng vốn, Chứng khoán VNDirect (VND) có thể trở vươn lên thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống trong năm 2025.
Công ty Chứng khoán VNDirect (Mã VND - HoSE) vừa công bố Nghị quyết về việc sử dụng vốn để phát hành gần 60,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ 5%. Nguồn vốn dùng để phát hành (gần 609 tỷ đồng) lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023.
Ngày chốt danh sách đã được thực hiện hồi cuối tháng 5/2024.
Hiện công ty đang trong giai đoạn chào bán 243,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Giai đoạn 2024-2025, VNDirect có kế hoạch phát hành gần 600 triệu cổ phiếu huy động vốn |
Được biết, ngày 17/6 tới, VNDirect sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và phương án đề xuất trả cổ tức 5% bằng tiền cho năm 2023, tại Đại hội, HĐQT công ty dự kiến tiếp tục trình cổ đông xem xét và phê duyệt các phương án tăng vốn.
Cụ thể, VNDirect dự kiến chào bán 268,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 1-10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá sổ sách.
Số tiền thu về sẽ được phân bổ 20% cho nguồn vốn cho vay margin; 70% đầu tư vào các giấy tờ có giá trị và 10% cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và hoạt động kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 15 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động giai đoạn 2024-2026.
Nếu hoàn thành tất cả các phương án chào bán, phát hành kể trên, Chứng khoán VNDirect sẽ nâng vốn điều lệ lên trên 18.300 tỷ đồng.
VNDirect làm gì với số vốn đã huy động?
Theo thống kê, 6 năm trở lại đây, sau các đợt tăng vốn và huy động thêm nợ vay, VNDirect tập trung phân bổ nguồn vốn huy động vào các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), các khoản cho vay margin.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, 3 khoản mục trên ghi nhận 34.202,6 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng tài sản của VNDirect.
Đáng chú ý, danh mục FVTPL và các khoản cho vay ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với lần lượt 16.445 tỷ đồng và 9.958 tỷ đồng. Trong khi đó, danh mục tài sản HTM có giá trị 7.800 tỷ.
Đáng chú ý, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động cho vay margin, dòng tiền huy động của VND có dấu hiệu đổ mạnh vào thị trường trái phiếu. Ở thời điểm đầu năm 2018, danh mục đầu tư trái phiếu của VND chỉ ghi nhận hơn 177 tỷ đồng thì tới ngày 31/3/2024, giá trị đầu tư trái phiếu lên tới 8.726 tỷ - tăng gấp 49 lần.
Có thể thấy, cùng với sự lớn mạnh về quy mô tài sản, VNDirect đang mở rộng các danh mục đầu tư trái phiếu một cách nhanh chóng. Tuy vậy, rủi ro từ chiến lược kinh doanh này cũng đang dần bộc lộ khi các trái phiếu liên quan tới các doanh nghiệp có dấu hiệu gặp khó dòng tiền trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, tại kế hoạch kinh doanh năm 2024, VNDirect đặt mục tiêu lãi doanh thu môi giới chứng khoán giảm 17% về mức 720 tỷ đồng. Quy mô vốn tăng song nguồn thu môi giới dự kiến đi lùi phần nào cho thấy sự dịch chuyển trong sắc lược kinh doanh ở ông lớn ngành chứng khoán, đặc biệt sau khi hệ thống VNDirect bị tấn công ngay cuối tháng 3 vừa qua.