Thấy khoản cho vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát ngày càng nhiều, nguyên Phó Tổng giám đốc SCB phản đối chỉ thị của lãnh đạo và bị cho thôi việc.
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, có đến 45 người là cán bộ, lãnh đạo ngân hàng SCB bị truy tố với các tội danh khác nhau. Trong số đó có Nguyễn Anh Phước - nguyên Phó Tổng Giám đốc ngân hàng SCB.
Nguyễn Anh Phước đã làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) - một trong 3 ngân hàng sáp nhập thành SCB sau này - từ tháng 5/2005. Sau khi sáp nhập, Phước tiếp tục làm việc tại ngân hàng SCB mới, trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau như Phó Giám đốc Sở Giao dịch, Phó Giám đốc chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, Phó TGĐ phụ trách hỗ trợ kinh doanh và khai thác tài sản.
>>Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB
Nguyễn Anh Phước khai, quá trình làm việc tại SCB biết rõ các hình thức cho khách hàng vay vốn gồm việc cho nhóm khách hàng của Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát vay (chiếm hơn 90% tổng thể các khoản vay) theo sự chỉ đạo của Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc).
Phước biết rõ Trương Mỹ Lan không có chức vụ gì tại SCB nhưng là cổ đông lớn, có nhiều khoản vay tại đây. Các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát do Lan chỉ đạo ngân hàng phê duyệt có đặc điểm nhận dạng là số tiền rất lớn, phòng Tái thẩm định là đầu mối lập thông tin khoản vay. Hồ sơ các khoản vay này có mã ký hiệu HSTT.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Các khoản vay nhóm VTP tại SCB đều "chỉ ký hợp thức hóa hồ sơ, không thẩm định"
Trong quá trình công tác, Phước đã ký nhiều biên bản, tờ trình tái thẩm định… để hoàn thiện hồ sơ cho nhóm cá nhân/pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn SCB. Các khoản vay do Trương Mỹ Lan chỉ đạo đều không đảm bảo điều kiện cấp tín dụng theo quy định, nhưng vì chỉ đạo nên phải thực hiện.
Phước khai đã nhiều lần không đồng ý với Võ Tấn Hoàng Văn việc SCB cho vay trái quy định, nhưng được Văn yêu cầu giải quyết, sẽ khắc phục sau.
Tuy nhiên Phước thấy số lượng khoản vay ngày càng nhiều, tiếp tục có ý kiến không đồng ý nên Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành cho nghỉ việc.
Kết quả điều tra xác minh trong khoảng thời gian từ 19/9/2014 đến 12/2/2018 Phước đã ký nhiều biên bản họp, 28 tờ trình tái thẩm định, đồng ý cho 28 khách hàng là cá nhân/pháp nhân thuộc hệ sinh thái tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay. Tổng dư nợ đến 17/10/2022 là hơn 24.063 tỷ đồng (trong đó 15.301 tỷ đồng dư nợ gốc và 8.762 tỷ đồng nợ lãi).
Nguyễn Anh Phước liên đới chịu trách nhiệm gây thiệt hại cho SCB 16.583 tỷ đồng (được tính bằng tổng dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được thẩm định lại).