Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa chính thức tuyên án, Trương Mỹ Lan có cơ hội để thoát án tử hình
Theo Hội đồng xét xử, bà Trương Mỹ Lan có thể thoát án tử hình khi khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả vụ án sau khi bản án có hiệu lực.
Ngày 3/12/2024, TAND cấp cao tại TP. HCM đã tuyên án phúc thẩm giai đoạn 1 của vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên giảm cho bà Trương Mỹ Lan từ 20 năm tù xuống 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; giữ nguyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt bà Lan phải nhận mức án tử hình.
HĐXX cho biết qua quá trình xét hỏi và tranh tụng công khai tại tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi liên quan đến vụ án. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau và với tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, xác định bà Trương Mỹ Lan có nhiều công ty, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng vai trò trung tâm.
Từ tháng 12/2011, bà Lan nhờ người đứng tên sở hữu phần lớn cổ phần của ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Khi 3 ngân hàng này gặp khó khăn và phải hợp nhất thành SCB, bà Lan tiếp tục nhờ người đứng tên sở hữu phần lớn cổ phần và nắm quyền chi phối.
Sau khi thâu tóm SCB để phục vụ cho hoạt động của Vạn Thịnh Phát, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng và cán bộ chủ chốt trong tập đoàn rút tiền dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống, nhằm đầu tư vào nhiều dự án bất động sản.
Dù không giữ chức vụ chính thức tại SCB nhưng với việc sở hữu hơn 91% cổ phần, bà Lan vẫn chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng, trái với quy định của luật tín dụng. HĐXX khẳng định rằng đây là căn cứ xác định bà Lan là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”, bác bỏ ý kiến của luật sư cho rằng bà không phải chủ thể của tội này.
HĐXX đánh giá hành vi của bà Lan đặc biệt nghiêm trọng, là người chủ mưu, cầm đầu và phạm 3 tội gồm “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Đưa hối lộ”. Những hành vi này đã tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, gây mất an ninh trật tự và làm suy giảm niềm tin của công chúng.
Tại tòa phúc thẩm, mặc dù bị cáo Lan đã có những nỗ lực tích cực trong việc khắc phục hậu quả vụ án, với hơn 600 mã tài sản đã được định giá và một số tài sản khác chưa được định giá, nhưng HĐXX cho rằng bà vẫn chưa khắc phục đủ 3/4 hậu quả của vụ án.
HĐXX cũng ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức và thái độ ăn năn hối cải của bà Lan, cùng với các tình tiết giảm nhẹ khác. Tuy nhiên, xét về tổng thể vụ án, hành vi của bà Lan gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, do đó không có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt đối với tội “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”. Do đó, tổng hợp hình phạt bà Lan phải nhận mức án tử hình.
Tòa lưu ý rằng nếu bị cáo tích cực khắc phục 3/4 hậu quả vụ án sau khi bản án có hiệu lực, tương đương ít nhất 280.000 tỷ đồng, bà Lan có thể được xem xét chuyển từ án tử hình sang án chung thân.
>> HĐXX: Nếu khắc phục đủ 3/4 hậu quả, bà Lan được xem xét giảm xuống án chung thân
Vụ Vạn Thịnh Phát: SCB không đồng ý trả lại 5.000 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan
Trương Mỹ Lan tuyên bố gần 6.100 tỷ đồng chuyển cho ‘Chúa đảo Tuần Châu’ không liên quan SCB