‘Vựa lúa miền Bắc’ sắp đón dự án ven sông, quy mô 511 căn nhà ở liền kề và 52 căn biệt thự
Dự án được thiết kế với quy mô dân số dự kiến 2.250 người.
Theo tạp chí Doanh nhân Việt Nam, CTCP Tập đoàn Đầu tư Phú Thành (Phú Thành Group) đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án phát triển nhà ở thương mại Khu dân cư Đồng Bến tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Dự án được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư vào tháng 8/2023 và đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Quỳnh Phụ từ tháng 6/2024. Với diện tích hơn 22,3ha, phía Đông Bắc dự án giáp khu dân cư hiện hữu và Xí nghiệp may Hoàng Anh, phía Tây Nam giáp đường đô thị và khu dân cư xã Quỳnh Mỹ, phía Đông Nam giáp sông Châu Sơn Mỹ và phía Tây Bắc giáp phố Cầu Tây cùng khu dân cư hiện trạng.
>> Siêu dự án điện khí LNG 60.000 tỷ đồng có chuyển động mới
Hiện trạng khu đất chủ yếu là đất trồng lúa hai vụ (19,6ha), cùng đất giao thông nội đồng (1ha), đất mặt nước (0,8ha), đất hoa màu (0,5ha) và một phần nhỏ là đất xây dựng công trình tạm, đất vườn trồng cây lâu năm. Khu vực quy hoạch có địa hình tương đối bằng phẳng với hướng dốc từ Nam sang Bắc, hệ thống giao thông hiện tại gồm đường liên thôn rộng 5-7m và một số đường bờ ruộng rộng 3-5m. Để triển khai dự án, khoảng 310 hộ dân sẽ bị thu hồi đất nông nghiệp.
Khu dân cư Đồng Bến được thiết kế với quy mô dân số dự kiến 2.250 người, trong đó diện tích đất được phân bổ gồm 8,8ha cho xây dựng nhà ở, 0,9ha cho công trình thương mại dịch vụ, 8,7ha cho giao thông và phần diện tích còn lại dành cho hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, công cộng. Tổng số nhà ở dự kiến xây dựng là 563 căn, bao gồm 511 căn nhà liền kề với chiều cao 3-5 tầng, mật độ xây dựng từ 78-100% và 52 căn biệt thự cao 2-3 tầng, mật độ xây dựng 60%. Ngoài ra, dự án còn xây dựng công trình nhà ở xã hội cao 5-9 tầng với mật độ xây dựng 44%.
Tổng mức đầu tư của dự án là 376 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật chiếm 174 tỷ đồng, chi phí xây thô và hoàn thiện mặt ngoài các công trình nhà ở là 164 tỷ đồng, và chi phí giải phóng mặt bằng là 33 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 3/2025, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, PCCC và báo cáo nghiên cứu khả thi. Từ tháng 4/2025 đến tháng 12/2028 sẽ tiến hành phát quang, san nền mặt bằng và thi công các hạng mục công trình. Giai đoạn từ tháng 1/2029 đến tháng 3/2029 sẽ vận hành thử nghiệm và nghiệm thu, dự kiến đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 6/2029.
Thái Bình được mệnh danh là "vựa lúa" của miền Bắc khi có truyền thống phát triển nông nghiệp lâu đời. Hiện nay, Thái Bình đã và đang đi theo hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển công nghiệp là động lực; tương lai trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hòa Phát (HPG) tài trợ toàn bộ 21.500m2 tôn lợp mái, góp sức 'hồi sinh' khu dân cư tại Lào Cai
Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có khu dân cư hơn 800 tỷ đồng