Vượt Đức-Nhật, nền kinh tế châu Á này sẽ đứng thứ ba thế giới vào năm 2029?
Chuyên gia Pushpin Singh cho rằng triển vọng dài hạn của nền kinh tế Ấn Độ vẫn khá mạnh mẽ, chứng minh nước này như một động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Ấn Độ được dự báo sẽ "soán ngôi" Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025 với GDP vượt mốc 5.000 tỷ USD. Thậm chí, quốc gia châu Á còn được đánh giá có khả năng vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2029.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), nền kinh tế Ấn Độ dự kiến đạt quy mô 12.800 tỷ USD vào năm 2039. "Kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục đi lên nhờ sự thúc đẩy từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, những cải cách cơ cấu cũng như hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh", chuyên gia Pushpin Singh, nhà kinh tế cấp cao tại CEBR nhận định.
Với hơn 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới (vượt Trung Quốc từ năm 2023). Đáng chú ý, phần đông dân số thuộc độ tuổi lao động, tạo ra một lực lượng lao động dồi dào và năng động, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ nước này cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và sản xuất. Chiến lược "Make in India" đã thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Chưa hết, Ấn Độ là một trong những trung tâm công nghệ lớn, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin và khởi nghiệp. Các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Microsoft và Apple đều coi Ấn Độ là một thị trường quan trọng.
Tuy nhiên, nước này cũng đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, Ấn Độ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong hai năm qua, làm giảm triển vọng kinh tế cho cả năm tài chính. GDP của quốc gia châu Á chỉ tăng 5,4% trong quý III/2024, thấp hơn nhiều so với dự báo 7% của Ngân hàng Trung ương.
Chi tiêu của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chi tiêu ở khu vực thành thị chậm lại do lạm phát lương thực và tăng trưởng tiền lương thực tế chậm chạp.
Tình hình xuất khẩu cũng không khả quan khi trong 12 tháng tính đến tháng 8/2024, tổng giá trị thương mại hàng hóa của Ấn Độ chỉ đạt 1,1 nghìn tỷ USD - không quá thay đổi so với hai năm trước.
Dẫu vậy, ông Pushpin Singh vẫn cho rằng triển vọng dài hạn của nền kinh tế Ấn Độ vẫn khá mạnh mẽ, chứng minh nước này như một động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Tăng trưởng toàn cầu sẽ dựa vào BRICS thay vì G7?
IMF: Tăng trưởng toàn cầu chịu tác động từ đà giảm tốc của kinh tế Mỹ