Xanh hóa - chiến lược đột phá để Việt Nam thu hút đầu tư
Xanh hóa dần trở thành yếu tố then chốt và quyết định sự đầu tư của các “ông lớn” nước ngoài vào Việt Nam.
Lợi thế của Việt Nam về thu hút FDI
Trong 7 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó có thể thấy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
Một trong những yếu tố then chốt quyết định điểm dừng chân của nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là nước ta có một nền kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Bình quân 7 tháng đầu 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%; kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu 2024 ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái; cán cân thương mại hóa 7 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD.
Đồng thời, nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào và thị trường nội địa rộng lớn với hơn 100 triệu dân. Thống kê đến ngày 02/01/2024, dân số Việt Nam có hơn 99,4 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ IV năm 2023 là 27,6%.
Cuối cùng, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế khi trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự tham gia đầu tư của 144 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 484 tỷ USD.
Xanh hóa là tất yếu
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến cuối tháng 5/2024, có 425 khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, trong đó có 299 KCN đã đi vào hoạt động và nhận được lượng vốn đầu tư lớn.
Để thu hút các nhà đầu tư lớn từ khắp nơi trên thế giới, việc chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) và doanh nghiệp sang mô hình sản xuất xanh đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Xu hướng xanh hóa không chỉ là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu không thể thiếu sau cam kết lịch sử tại Hội nghị COP26, với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Xanh hóa không chỉ là một giải pháp chiến lược quan trọng nhằm thu hút đầu tư mà còn đóng góp thiết thực vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nó đảm bảo môi trường làm việc sạch, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của lao động, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Gần đây, các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng chú trọng đến sản xuất xanh, với sự đầu tư vào các nhà máy trung hòa carbon và việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các khu công nghiệp và khu kinh tế cần tập trung vào các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Hiện tại, những tiêu chí này thường chưa được thực hiện đầy đủ hoặc chỉ mang tính hình thức. Do đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để triển khai các tiêu chí ESG tại doanh nghiệp và KCN ở Việt Nam.
Xanh hóa để thu hút đầu tư - Ảnh: Internet |
Một số dự án năng lượng xanh đã được cấp phép gần đây, như Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu và Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, là minh chứng cho sự chuyển dịch mạnh mẽ này. Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền “Kinh tế nâu” sang “Kinh tế xanh”.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi sang quy trình xanh không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm và bù đắp chi phí gia tăng, mà còn là một xu hướng quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu xu hướng chuyển giao công nghệ và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Tham vọng của tỉnh 'đánh bại' cả nước về thu hút FDI
Dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất ĐBSCL gặp khó vì chưa tìm được vật liệu san lấp