Xếp dỡ Hải An (HAH) bất ngờ điều chỉnh hạ 19% kế hoạch lợi nhuận năm
Doanh thu và lợi nhuận ròng sau điều chỉnh của Xếp dỡ Hải An lần lượt sụt giảm 10% và 19% so với kế hoạch ban đầu.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) vừa thông qua kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Cụ thể, doanh thu 8 tháng đạt gần 1.947 tỷ, lãi ròng 288 tỷ, thực hiện được lần lượt 66% mục tiêu doanh thu năm và 59% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính riêng tháng 7 và 8, Xếp dỡ Hải An ước đạt 680 tỷ doanh thu, lãi ròng 72 tỷ đồng. Trong khi đó quý 3/2022, doanh thu của HAH đạt 778,6 tỷ đồng và LNST đạt 274,4 tỷ đồng.
HĐQT của công ty đã thông qua việc hạ mục tiêu kinh doanh năm 2023. Trong đó, tổng doanh thu dự kiến cả năm là 2.669 tỷ, lãi ròng 400 tỷ; giảm lần lượt 10% và 19% so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, tổng sản lượng dự kiến tăng gần 8% lên 1.086.000 TEU.
So với kết quả cao kỷ lục của năm 2022 thì doanh thu năm 2023 dự kiến thấp hơn gần 17% và lãi ròng giảm hơn 51%.
Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán DSC, các chuyên gia nhận định kết quả kinh doanh của HAH không bị sụt giảm quá đột ngột theo giá cước tàu thế giới.
Giá cước cho thuê tàu của thế giới đang trong giai đoạn thấp nhất qua nhiều năm do (1) Tác động của lạm phát, suy thoái kinh tế làm thị trường xuất nhập khẩu trở nên ảm đạm, (2) Dư cung tàu sau giai đoạn đỉnh chu kì của giá cước. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, cước vận tải biển khó có thể giảm sâu hơn và sẽ hồi phục chậm rãi từ vùng này khi rủi ro về lạm phát, căng thẳng địa chính trị đã được phản ánh.
Mặc dù đã có những tín hiệu ngừng rơi của cước vận tải biển thế giới, đà giảm lợi nhuận của HAH vẫn khó ngừng lại sau 4 quý liên tiếp bởi (1) Các hợp đồng định hạn được kí tại thời điểm cuối 2021 (giá cước cao) sẽ hết hạn vào nửa cuối năm nay, từ đó giá cho thuê thu được từ hợp đồng mới sẽ phải giảm, phù hợp với giá cước chung ở hiện tại, (2) Giá nhiên liệu chạy tàu LSFO tăng và neo ở mức cao theo giá dầu thô thế giới sau những động thái cắt giảm của OPEC+, Ả Rập Xê Út và Nga, kéo thêm chi phí cho nhóm tàu tự vận hành (không phải thuê định hạn).
Vừa qua, Cục Hàng Hải Việt Nam đã công bố dự thảo thông tư có nội dung nâng sàn giá cước xếp dỡ lên 10%. Đây là động lực quan trọng cho doanh thu các cảng biển tại Việt Nam trong đó có cảng Hải An. Mặc dù vậy, trong tường hợp thông tư này có hiệu lực, tác động của nó lên doanh thu của HAH là không nhiều khi doanh thu từ cảng này chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10% trong khi công suất đã ổn định ở mức tối đa.
Dự kiến quý 4 năm nay, Hải An sẽ nhận chiếc tàu đầu tiên trong 3 tàu được đóng bởi HuangHai Shipbuilding, giúp gia tăng khoảng 10% sức chở tối đa của đội tàu. Do việc bàn giao diễn ra vào cuối năm, tác động của tàu mới chưa thể hiện ngay trong năm 2023 mà sẽ đáng kể hơn bắt đầu từ năm 2024 sau khi nhận nốt 2 tàu còn lại.