Xuất hiện đối trọng mới, Gemadept (GMD) vẫn tự tin cạnh tranh tại ‘chảo lửa’ logistics miền Bắc
Lãnh đạo Gemadept (GMD) khẳng định doanh nghiệp có vị thế tốt tại cụm cảng Hải Phòng, bất chấp áp lực cạnh tranh ở đây đang tăng cao hơn khi các bến cảng mới đi vào hoạt động.
Mới đây, CTCP Gemadept (HoSE: GMD) đã có buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 và một số triển vọng năm 2025 với Chứng khoán SSI.
Tại buổi họp, ban lãnh đạo Gemadept khẳng định doanh nghiệp có vị thế tốt tại cụm cảng Hải Phòng, bất chấp áp lực cạnh tranh ở đây đang tăng cao hơn khi các bến cảng mới đi vào hoạt động.
Cụ thể, Gemadept cho biết đang có lợi thế rõ ràng về vị trí và chi phí cho các tuyến vận tải, và dự án nạo vét Hà Nam gần đây đã đặt cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) vào vị thế tương đương với khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện. Gần đây, cảng Nam Đình Vũ vẫn có tuyến tàu mở mới ở cảng, cho thấy khả năng cạnh tranh tốt của cảng này.
![]() |
Cảng Nam Đình Vũ được định hướng trở thành cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc (Ảnh: Tạp chí Công Thương) |
Hiện Gemadept đang triển khai Giai đoạn 3 nhằm nâng công suất của cảng Nam Đình Vũ lên mức 2 triệu TEU/năm, trở thành cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Chứng khoán SSI cũng nhận thấy sự lạc quan của ban lãnh đạo Gemadept khi doanh nghiệp kỳ vọng vào các bước tiến tích cực trong các quý tới và quyết tâm đạt được tăng trưởng vào năm 2025.
Với các dự án cảng hiện tại, gồm Giai đoạn 3 - Cảng Nam Đình Vũ và Giai đoạn 2 – Cảng Gemalink, Chứng khoán SSI đánh giá các dự án này sẽ được phát triển và đạt hiệu suất tối đa vào khoảng năm 2030. Do đó, kế hoạch 5 năm sắp tới là điều cần theo dõi chặt chẽ, vì sẽ thể hiện chiến lược phát triển tiếp theo của Gemadept và có thể nhắm đến các dự án bổ sung trong giai đoạn tiếp theo.
Đối trọng mới của Gemadept
Ngày 7/2/2025, Cảng Hateco Hải Phòng (HHIT) vừa đón chuyến tàu đầu tiên. Đây là cảng biển nước sâu hiện đại nhất Việt Nam và có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc. Với vị trí chiến lược ở khu vực Lạch Huyện, Cảng Hateco Hải Phòng trở thành cửa ngõ kết nối trực tiếp với các tuyến đường biển quốc tế.
Với tổng diện tích cảng lên đến 73ha, cầu bến dài 900m, độ sâu trước bến từ -16,8m đến -18,4m, Cảng HHIT có khả năng tiếp nhận cùng lúc 2 tàu container cỡ lớn lên tới 200.000 DWT (≥ 18.000 TEU), chiều dài tàu tối đa 400m.
Cảng Hateco Hải Phòng với 2 bến số 5, số 6 được đầu tư với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, sẽ là cảng thông minh đầu tiên tại Việt Nam với cổng ra/vào tự động, cầu tàu bán tự động, có thể đón những tàu lớn nhất thế giới và kết nối trực tiếp với các thị trường xa như bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ.
![]() |
Cụm cảng Hải Phòng trở thành "chảo lửa" cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng đầu (Ảnh: VCBS) |
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhờ vị trí chiến lược ở phía Bắc, khu vực Hải Phòng trở thành "chảo lửa" thu hút những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển Việt Nam như Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP..., khiến cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
VCBS cho rằng cụm cảng Hải Phòng sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn trong giai đoạn 2025-2026 khi nguồn cung tăng mạnh 34% so với công suất hiện tại, bao gồm Lạch Huyện 3-4 của PHP (1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5-6 của Hateco (1 triệu TEU giai đoạn 1) và đến năm 2026 sẽ có Nam Đình Vũ 3 của Gemadept (650.000 TEU).
Các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là các cảng không có sự hợp tác với các hãng tàu.
![]() |
Các dự án lớn tại Lạch Huyện (Nguồn: VCBS) |
Dù vậy, xét về dài hạn, ngành cảng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách tăng khung phí dịch vụ bốc xếp theo TT39/2023, cũng như việc gia tăng công suất, xây mới và mở rộng năng lực tại các khu vực trọng điểm.
'Game lớn' ở doanh nghiệp tỷ USD ngành cảng biển: Sắp thoái vốn vườn cao su 30.000ha
VIMC - MSC: Mối lương duyên nửa thập kỷ và tham vọng siêu cảng 5,5 tỷ USD nâng tầm vị thế Việt Nam