VIMC - MSC: Mối lương duyên nửa thập kỷ và tham vọng siêu cảng 5,5 tỷ USD nâng tầm vị thế Việt Nam
Sau gần nửa thập kỷ hợp tác, VIMC (MVN) và MSC không chỉ đạt được những kết quả ấn tượng trong khai thác cảng và vận tải biển mà còn đặt tham vọng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hướng đến việc nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ hàng hải toàn cầu.
Lỗ lũy kế và đại dịch Covid-19
Trước năm 2021, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - HoSE: MVN) là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hàng hải nhưng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Trong nhiều năm, VIMC phải đối mặt với thách thức lớn về hiệu suất khai thác cảng biển và vận tải biển.
![]() |
VIMC lỗ lũy kế gần 613 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2019 (Ảnh: Báo cáo thường niên 2019) |
Năm 2018, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ theo Quyết định số 751/QĐ-TTg. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nhằm vượt qua khó khăn và vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, VIMC cũng tiến hành áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới dựa trên tên giao dịch quốc tế VIMC, thay thế cho tên gọi cũ Vinalines. Việc đổi tên được lãnh đạo Tổng Công ty đặc biệt quan tâm, bởi cái tên Vinalines từng gắn liền với nhiều sự kiện kém may mắn, thậm chí là "tai tiếng".
Sau kỳ họp ĐHCĐ lần đầu tiên vào ngày 13/8/2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 18/8/2020.
Tưởng chừng sự thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp khởi sắc, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 đã khiến doanh thu của VIMC giảm mạnh, xuống dưới 10.000 tỷ đồng và ghi nhận khoản lỗ ròng 45,2 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Trong bối cảnh khó khăn, VIMC cần một cú hích để hồi sinh và nâng cao vị thế trong ngành hàng hải. Đó cũng là lúc mối lương duyên với MSC - "gã khổng lồ" trong ngành vận tải biển toàn cầu xuất hiện.
“Cái bắt tay” chiến lược giữa VIMC và MSC
Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi VIMC ký kết và trao Thỏa thuận Khung Hợp tác với Mediterranean Shipping Company (MSC - hãng tàu container lớn thứ 2 thế giới ở thời điểm đó). Thỏa thuận này giúp VIMC mở rộng cơ hội hợp tác trong vận hành cảng biển, khai thác vận tải và phát triển dịch vụ logistics.
![]() |
Lễ ký kết hợp tác giữa VIMC và MSC (Ảnh: VIMC) |
Một trong những thay đổi quan trọng nhất sau thỏa thuận này là sự dịch chuyển dòng hàng hóa quốc tế qua hệ thống cảng của VIMC. Việc hợp tác với MSC, hãng tàu container lớn thứ 2 thế giới, giúp VIMC và cảng Sài Gòn có cơ sở để đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển và trung tâm logistics tại Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận hàng hóa, MSC còn hỗ trợ VIMC nâng cao hiệu quả quản lý vận hành cảng biển, áp dụng công nghệ hiện đại và tối ưu hóa chuỗi cung ứng logistics. Nhờ sự hợp tác này, hệ thống cảng của VIMC dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự cải thiện rõ rệt về năng suất và hiệu quả khai thác.
Thỏa thuận hợp tác này cũng tác động tích cực phần nào đến kết quả kinh doanh của VIMC. Năm 2021, doanh thu công ty tăng 33%, đạt 13.267 tỷ đồng, trong khi lãi sau thuế tăng đột biến 1.426%, đạt gần 3.200 tỷ đồng - mức kỷ lục. Nhờ đó, biên lợi nhuận ròng cải thiện mạnh lên 24%.
Tuy nhiên, những tác động từ xung đột địa chính trị và lạm phát toàn cầu trong các năm 2022 - 2023 đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của VIMC. Năm 2023, lợi nhuận của công ty giảm xuống còn 1.702 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Đến năm 2024, VIMC đạt doanh thu 24.813 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2023. Đây là kết quả ấn tượng, đưa tổng lợi nhuận lũy kế từ năm 2016 đến nay lên gần 11.400 tỷ đồng, giúp VIMC xóa sạch lỗ lũy kế vào quý I/2024. Lần đầu tiên trong một thập kỷ, lợi nhuận chưa phân phối của công ty chuyển sang dương với mức 60 tỷ đồng.
Tham vọng siêu cảng Cần Giờ
Sau gần 5 năm hợp tác, VIMC và MSC không chỉ đạt được những kết quả ấn tượng trong khai thác cảng và vận tải biển, mà còn có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác với tham vọng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án cảng Cần Giờ do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn (thuộc VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A - TIL (thành viên của MSC) đề xuất đầu tư.
![]() |
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Báo Lao động) |
Theo đề án nghiên cứu, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài hơn 7km, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay (250.000 DWT, tương đương 24.000 TEU). Cảng được dự kiến xây dựng tại cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP. HCM với tổng vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, chia thành 7 giai đoạn. Giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2027 và toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2045.
Tính toán sơ bộ cho thấy, khi đạt công suất thiết kế vào năm 2045, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ mang lại doanh thu từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn thu này đến từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng các loại phí hàng hải và thuê mặt nước.
Ngoài ra, cảng còn thu hút nguồn vốn lớn từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động trực tiếp tại cảng và hàng chục nghìn lao động trong lĩnh vực hậu cần logistics.
Ngày 16/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí dịp Tết Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết: “Chúng tôi phấn đấu ngày 2/9 sẽ khởi công giai đoạn 1 của dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tôi tin rằng, ngoài việc khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ cảng biển quốc tế, dự án sẽ đóng góp tích cực cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo việc làm và gia tăng nguồn thu ngân sách”.
Với những bước tiến đã đạt được cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ, mối quan hệ hợp tác giữa VIMC và MSC được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Việc tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh của MSC không chỉ giúp VIMC nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn đưa ngành vận tải biển và logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Cảng biển 20.000 tỷ đồng chính thức vận hành, cổ phiếu doanh nghiệp tăng trần phá đỉnh lịch sử
Liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới 'cập bến' tại dự án cảng gần 12.900 tỷ đồng của VIMC (MVN)