Theo VASEP, tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất thuỷ sản tăng 33% trong 10 tháng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong 10 tháng, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của những ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu cá tra đem về 2,1 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp ngành này tăng tỷ trọng trong cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu chính, chiếm gần 23%, tăng 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trung bình xuất khẩu cá tra tăng nhiều nhất, 50% so với cùng kỳ, và cơ hội gia tăng thị phần do xung đột Nga – Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế. Đó là 2 yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng mạnh trong thời gian qua.
Đối với ngành tôm, dù vẫn tăng 18% và mang về giá trị xuất khẩu cao nhất gần 3,8 tỷ USD, nhưng tỷ trọng của ngành tôm năm nay là 40%, thấp hơn 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh 5 tháng đầu năm, sau đó chững lại, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ trong một số tháng.
Nửa cuối năm, xuất khẩu tôm bị sụt giảm vì thị trường giảm nhu cầu và thiếu nguyên liệu trong nước. Giá tôm trung bình xuất khẩu cũng không tăng mạnh được như cá tra vì áp lực cạnh tranh rất lớn với 2 nước Ecuador và Ấn Độ.
Với mặt hàng cá ngừ, VASEP cho rằng kim ngạch có thể đạt kỷ lục 1 tỷ USD trong năm 2022, vì đến cuối tháng 10 ngành này đã thu được 884 triệu USD, tăng 49% và chiếm 9,4% tổng xuất khẩu thuỷ sản, cao hơn so với 8,4% cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng 2 con số với 33% đạt 630 triệu USD. Trong đó, sản phẩm mực mang về 354 triệu USD, bạch tuộc xuất khẩu đạt 277 triệu USD.
Xuất khẩu các loài cá khác, chủ yếu là cá biển, chiếm 18% với 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm chả cá, surimi xuất khẩu đạt trên 350 triệu USD. Các loài cá khác có kim ngạch xuất khẩu đáng kể gồm: cá hồi, cá cơm, cá nục, cá chẽm, cá minh thái, saba, cá trích, cá tuyết…
Nhiều thách thức trong năm 2023
VASEP cho biết xuất khẩu thuỷ sản chững lại trong nửa cuối năm, đặc biệt từ quý IV, vì các thị trường giảm nhập khẩu hàng hoá nói chung và thuỷ sản nói riêng, sau khi ngấm đòn lạm phát. Nhiều thị trường đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục 40 năm, giá năng lượng và giá thực phẩm tăng mạnh, và đã đến giai đoạn đỉnh điểm là người tiêu dùng thu nhập thấp thậm chí phải bỏ bữa như ở một số nước như Anh.
Do vậy, không chỉ các mặt hàng giá cao bị giảm nhu cầu và cả mặt hàng giá phải chăng như cá tra, chả cá, surimi… cũng theo đà giảm sâu.
Tuy nhiên, với kết quả tích cực đến cuối quý III, xuất khẩu cả năm 2022 vẫn ghi nhận con số kỷ lục gần 11 tỷ USD.
VASEP dự báo năm 2023, sẽ vẫn còn những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu.
Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022.
Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản
Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng.
Doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân. Cả doanh nghiệp và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Thiếu lao động cho ngành thuỷ sản cũng là một vấn đề lớn của ngành thuỷ sản và thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.
Xung đột Nga – Ukraine giáng một đòn nặng nề vào kinh tế châu Âu và Mỹ, nhất là những nước trong khối G7 như Anh, Italy. Các chuyên gia cũng đã dự báo kinh tế các nước này sẽ xấu hơn trong năm tới. Trong khi đó đây là những thị trường nhập khẩu quan trọng của thuỷ sản Việt Nam, do vậy, dự báo xuất khẩu sang Mỹ, EU, Anh trong năm 2023 sẽ giảm so với năm nay.
Tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng",ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023.
"Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.
Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện, nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023", ông nói
Theo ông Hoè, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi vấn đề bên ngoài giống năm 2008. Ngoài ra, sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay không thể nói là mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Trên cơ sở đó, chúng ta không nên quá bi quan mà doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới.