50.000 chiếc áo mắc kẹt trong kho chưa thể xuất khẩu, chuyện gì đã xảy ra?
Nếu khách Mỹ từ chối nhập hàng, ông Luc Lesénécal có thể chuyển lô hàng trong kho sang thị trường khác như Nhật Bản - nơi thương hiệu Saint James cũng có lượng khách trung thành.
Do tác động từ thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà máy may mặc Saint James tại Pháp đã buộc phải cất giữ lô hàng áo sơ mi và áo len kẻ sọc nổi tiếng – vốn được sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ – trong kho thay vì giao hàng cho các nhà bán lẻ lớn như Nordstrom và J.Crew.
Những cuộn vải sọc xanh trắng từ máy dệt tại nhà máy Saint James (Pháp) được công nhân xếp lớp, cắt may thành áo thủy thủ Breton – biểu tượng thời trang Pháp được yêu thích toàn cầu.

Luc Lesénécal – Giám đốc điều hành của Saint James – đi dọc xưởng sản xuất rộng lớn tương đương ba sân bóng đá, nơi 300 công nhân lành nghề tạo ra 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm, từ áo sơ mi, áo len đến khăn quàng và áo khoác. Ông chỉ tay vào những đống hàng đã hoàn tất: 50.000 chiếc áo chuẩn bị lên đường đến các cửa hàng tại Mỹ.
Thế nhưng, kế hoạch giao hàng cho mùa thu năm nay đã bị chặn đứng bởi những đe dọa thuế quan liên tục thay đổi từ chính quyền ông Trump. Thay vì vận chuyển hàng bằng máy bay, toàn bộ lô hàng dành cho thị trường Mỹ giờ đang nằm yên trong kho của công ty, chờ đến ngày thứ Tư (9/7) – hạn chót mà ông Trump đặt ra để châu Âu phải đạt được một thỏa thuận, nếu không sẽ đối mặt với mức thuế lên tới 50%.
“Chúng tôi như bị kéo vào một trò chơi chính trị kiểu 'yo-yo'. Không có định hướng rõ ràng, chúng tôi không thể nào tiếp tục phát triển”, ông Lesénécal nói.
Ông không phải người duy nhất rơi vào tình thế này. Từ khi Tổng thống Trump công bố hàng loạt biện pháp thương mại nhằm “tái định hình nền kinh tế toàn cầu”, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã buộc phải đóng băng kế hoạch, tìm kiếm miễn trừ thuế, hoặc chuẩn bị tăng giá.
Hoa Kỳ hiện đã áp mức thuế 10% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, đồng thời liên tục đe dọa nâng mức này lên 20% hoặc thậm chí 50%. Ủy ban châu Âu đang nỗ lực thuyết phục chính quyền Trump tránh những mức thuế khắc nghiệt, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận trước hạn chót. Trong khi đó, thép và nhôm từ châu Âu đã bị đánh thuế 50%, và linh kiện ô tô là 25%.
Sự thay đổi liên tục trong chính sách thuế – được gọi là “bất định chiến lược” – đang khiến các doanh nghiệp châu Âu chật vật ứng phó. Ông Lesénécal, Chủ tịch hiệp hội “Made in France”, cho biết ông phải dành gấp đôi thời gian để lo đối phó với thuế quan.
Khi Tổng thống Trump lần đầu công bố áp thêm 20% thuế đối với hàng hóa từ EU vào ngày 2/4, ông Lesénécal hoàn toàn sửng sốt. “Chiếc áo thủy thủ cổ điển của Saint James vốn bị áp mức thuế cơ bản 16,5%. Vậy mà bỗng chốc tăng lên 36,5%. Một tuần sau, mức thuế lại giảm, nhưng vẫn cao hơn 10% so với trước đó”, ông nói.
Hiện tại, ông chấp nhận gánh phần tăng 10% này để không làm mất lòng 150 nhà bán lẻ tại Mỹ – những khách hàng lâu năm của thương hiệu. Việc này có thể thực hiện được vì Saint James là một doanh nghiệp do người lao động nắm giữ, không phải chịu áp lực từ cổ đông.

Tuy nhiên, nguy cơ mức thuế cao hơn vẫn treo lơ lửng. Mặc dù thị trường Mỹ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng xuất khẩu của công ty, nhưng thuế suất tăng cao sẽ là rào cản lớn. Saint James đã có mặt tại Mỹ hơn 30 năm. “Chúng tôi không muốn rút khỏi thị trường Mỹ. Sản phẩm của chúng tôi là biểu tượng của 'Made in France' và người Mỹ yêu thích phong cách sống kiểu Pháp mà chúng tôi đại diện”, ông Lesénécal nói.
Ít có món đồ nào mang tính Pháp rõ ràng như những chiếc áo thủy thủ sọc trắng-xanh được sản xuất tại nhà máy Saint James – tọa lạc dưới chân tu viện Mont-Saint-Michel bên bờ biển Manche. Công ty có lịch sử hơn 130 năm, bắt đầu từ việc sản xuất áo len ép cho ngư dân – loại áo được dệt dày và chặt đến mức gió và nước biển không thể xuyên qua.
Từ những năm 1950, Saint James cung cấp áo cho Hải quân Pháp. Đến thập niên 1970, họ bắt đầu bán cho công chúng, với mẫu sọc đặc trưng từng được Napoleon III chọn để dễ nhận ra thủy thủ rơi xuống biển. Kiểu áo này nhanh chóng trở thành biểu tượng thời trang, được nhiều biểu tượng văn hóa như Brigitte Bardot và Pablo Picasso ưa chuộng. Trên tường nhà máy còn treo tấm biển quảng cáo với hình Brad Pitt và George Clooney mặc áo Saint James cưỡi mô tô.
Gần đây, ông và Giám đốc khu vực Mỹ – Benjamin Auzimour – đã soạn thư gửi các khách hàng ở Mỹ, những người thường đặt đơn hàng trước sáu tháng. Trong thư, công ty cảnh báo rằng nếu thuế mới cao hơn 10%, phần chênh lệch sẽ phải do bên bán lẻ chịu. Điều này có thể khiến một số nhà bán lẻ e ngại rằng giá bán lẻ cao sẽ làm giảm sức mua.
Nếu khách Mỹ từ chối nhập hàng, ông Lesénécal có thể chuyển lô hàng trong kho sang thị trường khác như Nhật Bản - nơi thương hiệu Saint James cũng có lượng khách trung thành.

Mất tạm thời thị trường Mỹ sẽ không làm công ty sụp đổ. Nhưng ông buộc phải hoãn kế hoạch mở thêm hai cửa hàng mới tại Mỹ. Ngoài rủi ro thuế quan, việc đồng USD yếu đi cũng khiến chi phí xuất khẩu tăng. “Có thể tôi sẽ tập trung mở rộng ở những thị trường có ổn định kinh tế cao hơn”, ông nói.
Tham khảo New York Times
>> Hàng hóa kẹt cứng, cảng biển tê liệt: Châu Âu 'lãnh đòn' vì thuế quan